HĐND tỉnh Khánh Hòa đã chất vấn bốn giám đốc các Sở KHĐT, Xây dựng, Du lịch, GTVT về nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của các sở. Giám đốc Sở Xây dựng là người đã nhận nhiều nhất các chất vấn, truy vấn của các đại biểu về hai dự án vừa lộ nhiều sai phạm trong đợt mưa lớn giữa tháng 11.2018 tại TP Nha Trang.
Sai phạm "không thể chấp nhận được"
Đó là dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Marina Hill, tại Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc của Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang và dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, trên núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu.
Cả hai dự án đều được Sở Xây dựng tham mưu cấp phép, phê duyệt thiết kế xây dựng trên đồi nhưng đến nay, theo giám đốc sở Lê Văn Dẽ là đều có những sai phạm "không thể chấp nhận được" và đã bị đình chỉ thi công, yêu cầu khắc phục.
Trong đó, chủ dự án Hoàng Phú đã đào núi làm "hồ bơi vô cực" trong dự án trên núi Cô Tiên gây sạt lở, chôn sập nhà 9 dân, làm chết cả gia đình bốn người dưới chân núi. Còn chủ dự án Marina Hill, theo ông Dẽ, đã vi phạm thiết kế được duyệt, xây dựng tường thành vượt ranh đất cho phép, cao sừng sững 20m áp sát nhà dân, đe dọa sụp đổ gây chết dân cư nên trong mưa bão, vừa qua chính quyền phải tổ chức di dời 18 hộ để tránh tai họa...
Thừa nhận "trong quy hoạch có hồ bơi"
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn về việc có thiết kế "hồ bơi vô cực" dự án Hoàng Phú hay không? Trong trả lời, ông Dẽ ba lần phủ định, ban đầu cho rằng "tôi khẳng định ở đây chủ đầu tư không có xây cái hồ bơi vô cực nào cả". Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Thân đã đề nghị ông Dẽ "nên trả lời thẳng các câu hỏi". Đó là trong thiết kế có hồ bơi vô cực không? Trong giấy phép đã cấp có hồ bơi đó không? Việc chủ đầu tư dự án thi công có đúng không?
Theo trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Ngô, sau khi sự cố xảy ra, Sở Xây dựng đã xuống kiểm tra và ban hành cùng lúc ba văn bản, quyết định xử lý đối với dự án Hoàng Phú. Ông Ngô nói việc ấy "giống như là hợp thức hóa trách nhiệm kiểm tra, tham mưu của Sở Xây dựng" đối với dự án đó.
Còn "khi đoàn kiểm tra xuống kiểm tra thực tế, thấy chủ đầu tư có đào múc một khu vực vuông vắn rất rõ"-ông Ngô nói. Khu vực đã đào múc đất vuông vắn đó, đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh cho biết theo báo cáo của Sở Xây dựng, có kích thước 15m x 32m và sâu khoảng 0,8m.
Như vậy, theo ông Thịnh, tính ra rộng khoảng 480m2 và khi nước mưa dồn đầy sẽ có tới 400m3 nước. Ông Thịnh truy vấn thêm ông Dẽ, việc chủ đầu tư đào diện tích khu đất vừa nêu có trùng lên diện tích và vị trí đã được phê duyệt trong dự án cho làm hồ bơi không?
Cuối cùng, dù vẫn chống chế "chủ chủ đầu tư chưa xây hồ bơi lấy gì mà vỡ" nhưng ông Dẽ đã phải thừa nhận "trong quy hoạch có hồ bơi. Trong vị trí đã đào có trùng với diện tích quy hoạch hồ bơi" và "chủ đầu tư dự án đã thi công san nền không đúng".
Đó là vị trí hồ bơi đã đào bên mép núi Cô Tiên và sau khi tai họa xảy ra, đại diện chủ dự án Hoàng Phú cũng thừa nhận với phóng viên là Công ty TNHH Đầu Tư và phát triển Thanh Châu đã trực tiếp tổ chức cho đào trước khi xảy ra mưa lớn (trong đợt bão số 8) khoảng mười ngày.
"Kỷ cương, phép nước" ở đâu?
Còn đối với dự án Marina Hill, ông Dẽ cho biết "không phải Sở Xây dựng không biết chủ đầu tư sai phạm". Vì Sở Xây dựng đã kiểm tra tại dự án vừa nêu tới 11 lần, trong đó bản thân giám đốc sở đã đi kiểm tra 8 lần. Thế nhưng, chủ dự án Marina Hill vẫn tự ý thay đổi công nghệ, dựng lên bức tường thẳng đứng cao 20m, dài mấy trăm thước.
"Bức tường khủng bố" đó đang có rất nhiều vết nứt, hở đã xây áp sát khu dân cư và chỉ cách nhiều nhà dân từ 0,7m đến 1m. Trong khi đó, theo ông Dẽ, thiết kế đã được cấp phép, bức tường vừa nêu phải xây bằng đá, giựt cấp, phải cách khu dân cư từ 5m đến 30m.
Ngoài ra, theo đại biểu Đoàn Minh Long – chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, dự án Marina Hill còn tự thay đổi ranh giới san nền và độ cao nền trái phép nên đó là dự án "cực kỳ sai phạm một cách nghiêm trọng". Ông Nguyễn Ngô chất vấn, Sở Xây dựng để chủ dự án sai phạm như vậy thì "kỷ cương, phép nước" ở đâu?
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Phan Thông cũng chất vấn "ông giám đốc Sở Xây dựng trả lời, sở đã đi kiểm tra 11 lần và giám đốc sở cũng đi kiểm tra tới 8 lần mà rồi bức tường vẫn được xây lên, tồn tại cho đến nay. Bao giờ mới được xử lý?".
Ông Dẽ thừa nhận, dự án Marina Hill thi công trên sườn núi nên "nguy cơ sạt lở rất cao". Còn bức tường mà chủ dự án đã xây trái phép là "không thể nào tồn tại được; không có lý do gì cho tồn tại" vì thi công không đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Sở Xây dựng đã ra quyết định xử lý vi phạm, buộc chủ dự án phải tự tháo dỡ, thế nhưng đến nay "bức tường khủng bố" với dân tại Hòn Nghê vẫn được tồn tại. Ông Dẽ giải thích, đó là vì phải chờ chủ dự án chấp hành thực hiện theo trình tự quy định. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Thân, trình tự xử lý vi phạm đó là đối với các vi phạm thông thường, còn vi phạm trong trường hợp nguy cấp, có thể gây tai họa, làm chết người thì pháp luật đã có quy định phải buộc tháo dỡ, cưỡng chế khắc phục ngay.
Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đặt nhiều câu hỏi, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, về trách nhiệm của Sở Xây dựng và giám đốc sở trong việc sai phạm tại hai dự án đã nêu. Ông Dẽ cho rằng "sai phạm trước hết là do chủ quan của nhà đầu tư"; còn việc quản lý thì có cả trách nhiệm của chính quyền thành phố và các xã phường.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa: "Nghiêm túc rút kinh nghiệm…"
Khi đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Hoàng Diệp tiếp tục truy vấn "tôi muốn hỏi thẳng về trách nhiệm của bản thân ông giám đốc sở là người đứng đầu, tham mưu cho tỉnh như thế nào, đối với các dự án sai phạm thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng đó?".
Đến "nước" ấy ông Dẽ mới thừa nhận "Luật xây dựng có phân cấp, cơ quan nào cấp phép xây dựng thì cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện giấy phép đó". Trong lời phát biểu cuối cùng trước HĐND tỉnh tại phiên chất vấn, giám đốc Lê Văn Dẽ mới thừa nhận "sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm túc chỉ đạo khắc phục…"