Tờ Tiền Phong dẫn lời ông Dần nói rõ: "Song song với Grab còn có 2 doanh nghiệp khác cũng tham gia hoạt động thí điểm trên địa bàn theo sự cho phép của Bộ GTVT, là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun taxi) và Công ty CP Sun Taxi (Sun taxi) đối với xe dưới 9 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, khi 2 doanh nghiệp này đến báo cáo với Sở về việc thí điểm đúng quy định, thì 9 tháng sau Quyết định của Bộ (tức tháng 9/2016), Công ty TNHH Grab Taxi vẫn không có bất cứ động thái nào. Do làm đúng quy trình, nên 2 doanh nghiệp trên được tiếp tục hoạt động.
Đến ngày 16/8/2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà nhận được công văn của Công ty TNHH Grab Taxi về việc triển khai dịch vụ Grab taxi tại tỉnh, Sở đã yêu cầu công ty này làm việc với các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, để thoả thuận, hợp tác và chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của các đơn vị này. Tuy nhiên, Công ty TNHH Grab Taxi lại không thực hiện, mà lại trực tiếp làm việc với các lái xe để cài đặt phần mềm ứng dụng khoa học- công nghệ trong việc hỗ trợ vận tải.
Bên cạnh đó, Grab không thực hiện báo cáo kết quả hoạt động, không có trụ sở và đại diện pháp lý hợp pháp tại Khánh Hòa.
Từ ngày 8/4/2018, Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục gia tăng việc cài đặt ứng dụng cho các xe dưới 9 chỗ ngồi không có phù hiệu và các xe do sở GTVT thuộc các địa phương khác cấp phù hiệu xe hợp đồng (chủ yếu xe do Sở GTVT TP.HCM quản lý).
Do đó, Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà đã gửi văn bản đến Bộ GTVT đề nghị dừng cho thí điểm Grab taxi tại Khánh Hoà".
Sở GTVT Khánh Hòa còn cho rằng, khi được mời đến làm việc, Grab còn cử người không đủ tư cách pháp nhân đến làm việc, chỉ khi bị cấm lúc này doanh nghiệp mới cho người tới nhận lỗi.
Trước đó, thông cáo của Grab gửi tới các cơ quan báo chí Công ty TNHH Grab Việt Nam cho hay đã nhiều lần gửi văn bản, chủ động xin gặp, phối hợp với Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà nhưng cho đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai dịch vụ GrabCar tại địa phương.
Ngoài ra, đơn vị này cũng phủ nhận chuyện không thực hiện báo cáo kinh doanh, không có trụ sở... Grab Việt Nam cho rằng, Sở GTVT Khánh Hòa đã đối xử thiếu công bằng với các đơn vị triển khai thí điểm theo quy định. Tuy nhiên, những thông tin trên đều bị Sở GTVT Khánh Hòa phủ nhận.
Uber, Grab giảm giá 'triệt hạ' taxi truyền thống: Hai khả |
Không cấm nhưng phải quản chặt
Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã là nỗi lo với thị trường taxi truyền thống trong nước. Đặc biệt, sau khi chính thức mua lại Uber VN vào ngày 8/4, nỗi lo độc quyền, chi phối thị trường cùng với đó là những khó khăn trong vấn đề định danh loại hình vận tải này khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng trốn nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách. Bộ GTVT đã yêu cầu siết chặt quản lý hoạt động của Grab, Uber.
Bàn về việc này, TS Đặng Quang Vinh - Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng Việt Nam nên học cách quản lý Grab của Indonesia hoặc Singapore. Cụ thể, tại Indonexia, họ đưa ra 4 điều kiện: giới hạn về phương tiện, số lượng phương tiện đăng ký, mức giá tối thiểu và tối đa mức giá. Tùy địa bàn, khu vực mà áp dụng chứ không phải cấm hoàn toàn.
Còn ở Singapore, họ đề ra luật về người cung cấp dịch vụ đặt xe bên thứ 3, tức là không phải đặt trực tiếp những người có xe mà đặt thông qua bên thứ 3. Luật này rất ngắn gọn và dễ hiểu.
"Trong đó quy định khá chặt chẽ, anh phải có đăng ký tại nước sở tại hoặc phải có đại diện tại Singapore, có tối thiểu 20 xe kết nối với anh và phải đảm bảo duy trì được dữ liệu để khi cơ quan quản lý cần thì có thể cung cấp. Đồng thời phải đảm bảo dịch vụ của người cung cấp cho anh phải đảm bảo an toàn, giá cả hợp lý...", ông Vinh nói.
LS Trương Thanh Đức thì cho rằng, không cấm nhưng phải hạn chế. Theo LS Đức, cần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ và taxi dưới dạng gì cũng cần có điều kiện.
"Theo tôi, có 3 loại taxi. Thứ nhất, hãng công nghệ đồng thời là hãng taxi, cái này chỉ cần một cái máy và vài người đã đáp ứng được mọi yêu cầu.
Dạng thứ hai là hãng công nghệ kết hợp với pháp nhân cá nhân kinh doanh. Trong đó tôi cho rằng hãng công nghệ chỉ chịu trách nhiệm chính về việc kết nối taxi, ông tính toán, khớp lệnh thế nào đấy, ông “ăn” một tý dịch vụ. Nhà nước sẽ quản chính cá nhân pháp nhân kinh doanh taxi còn công nghệ là cái hỗ trợ cũng giống như Nhà nước quản lý Mai Linh và Vinasun chứ không ai đi quản lý cái tổng đài, vì đó chỉ là công cụ hỗ trợ.
Bộ Tài chính đã quy định, thu thuế 20% nhà thầu nếu không có trụ sở ở Việt Nam, còn có ở Việt Nam thì trên 20%. Còn nếu kết hợp với pháp nhân cá nhân kinh doanh thì pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm kinh doanh, an toàn khách hàng, bảo hiểm, phù hiệu...