Đứng nhìn về phía biển thì thấy 5 tòa villa tráng lệ sát cạnh nhau. Các tòa nhà này được xây dựng kiên cố, mặt hướng biển. Không gian trước mặt các villa, doanh nghiệp đã cho thi công một tuyến kè (xếp rọ đá) bao quanh và san lấp đất đá, tạo cảnh quan môi trường xung quanh D.A.
Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân sinh sống gần 5 ngôi biệt thự trên cho biết: “5 ngôi biệt thự trên là của D.A Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh do Cty Năm Sao làm chủ đầu tư. Cty này đã tổ chức thi công các hạng mục công trình như kè, nhà villa vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, sau cơn bão số 12, đơn vị đã dừng thi công một thời gian dài và mới tổ chức làm trở lại cách đây vài tháng. D.A làm khá quy mô, thi công rầm rộ bất kể ngày nghỉ nên ở đây ai cũng biết. Theo tôi quan sát thấy D.A có làm kè lấn ra phía biển…”.
Anh Trần Mạnh Linh, một người dân khác khẳng định: “D.A Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh không chỉ lấn biển mà còn chiếm luôn con đường mòn xuống biển sinh hoạt của nhân dân. Trước đây, ngay khu vực D.A có một đường mòn để người dân xuống biển tắm, vệ sinh các ngư lưới cụ sau mỗi chuyến đi biển. Tuy nhiên, khi triển khai D.A chủ đầu đã bít con đường này lại và mở một lối đi khác, sát UBND xã Đại Lãnh”.
Ông Nguyễn Phan Nam, Giám đốc Cty Năm Sao cho biết, D.A Khu du lịch và nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh có tổng diện tích mặt đất hơn 153.600m2 với tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng. D.A đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp giấy phép xây dựng ngày 25/8/2017. Theo đó, giai đoạn 1 của D.A được triển khai xây dựng gồm hạng mục công trình: Nhà hàng, nhà đón tiếp kết hợp nhà nghỉ, villa loại B, villa loại C, bungalow bờ biển loại 2, bar bờ biển.
“Doanh nghiệp đã thực hiện đúng theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt cũng như theo giấy phép thi công. Các hạng mục công trình đều nằm trong ranh giới D.A được cấp, thậm chí chúng tôi phải làm lùi vào trong vì nước biển xâm thực lấn vào. Mặt khác, cũng để bảo đảm an toàn, giữ tài sản cho D.A nên chúng tôi phải làm kè rọ đá xung quanh. Đối với lối đi dân sinh mà trước đây một số người dân hay đi xuống biển, do nằm trong ranh giới D.A nên chúng tôi buộc phải ngăn lại”, ông Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, lối đi này (lối đi xuống biển của người dân) còn mất an toàn giao thông, nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ (Quốc lộ 1), vừa sát dốc, vừa có dải hộ lan mềm ngay vách taluy âm cao hơn 2m so với mặt đường. Việc ngăn lối đi này cũng được sự đồng ý của tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. "Khi ngăn lối đi này, bằng kinh phí của mình, chúng tôi đã xây dựng một tuyến đường bê tông sát trụ sở UBND xã Đại Lãnh để người dân đi xuống biển được thuận tiện. Hiện nay, tuyến đường giao thông này đã đưa vào khai thác và bàn giao cho xã quản lý", ông Nam cho biết.
Còn ông Hoàng Đình Phi, Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, trước sự việc người dân phản ánh D.A xây dựng lấn ra biển, Ban Quản lý đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công để phục vụ kiểm tra, đo đạc diện tích của D.A để xác định có hay không việc lấn biển. Đoàn kiểm tra do Ban Quản lý chủ trì, có mời các sở, ngành, địa phương có liên quan.
“Có thể thời gian vừa qua, do mưa bão, nước biển dâng đã làm biến đổi hiện trạng ban đầu nên qua mắt thường quan sát thì có vẻ D.A đã xây lấn ra biển. Để làm rõ thực hư, hiện chúng tôi đang kiểm tra và sẽ báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng. Nếu D.A thực sự lấn biển như phản ánh của người dân thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật”, ông Phi cho hay.