Các cơ sở giống cây lầm nghiệp đang chăm sóc keo chuẩn bị cung cấp ra thị trường.
Tại Khánh Vĩnh, nông dân đang chuộng trồng rừng keo lai, mỗi năm trồng 2 đợt. Cứ sau cơn mưa dông là bà con tiến hành mua cây giống về trồng. Đặc biệt, do ảnh hưởng cơn bão số 12 năm ngoái, nhiều rừng keo bị ngã đổ nên nhu cầu tiêu thụ giống keo tái sản xuất đang tăng mạnh. Chạy dọc theo các xã Khánh Nam, Khánh Thành, thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) đang xuất hiện rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống keo rừng.
Giống keo rừng chủ yếu cung cấp cho nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ảnh: C.T
Ông Văn Đình Bình, một người kinh doanh giống keo rừng, cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với nghề này hơn 5 năm qua. Thời gian đầu, người dân mua cây keo còn khiêm tốn, cơ sở chỉ xuất bán từ 700 - 800 cây/năm. Gần đây, nhiều hộ mạnh dạn mua cây giống về trồng nên gia đình bán liên tục, bình quân cung cấp 1 triệu cây/năm. Với giá bán dao động từ 600 - 650 đồng/cây, mỗi năm tôi thu nhập trên 90 triệu đồng”.
Nhờ nghề ươm giống mà nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh kiếm lãi cao. Ảnh: C.T
Theo ông Bình, toàn huyện có trên 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây rừng. Mỗi hộ trồng ít nhất từ 3 - 4 sào, nhiều nhất 7ha; số lượng trồng dao động từ 4.000 - 4.500 cây/ha. Nhờ nghề này mà gia đình ông cũng như nhiều hộ khác có thu nhập tương đối ổn định.
Ông Bình cho biết thêm, cây keo mang lại giá trị kinh tế cao nhưng trồng trên 6 năm mới cho thu hoạch. Theo ông, những hộ trồng keo rừng nên tìm những cơ sở sản xuất có uy tín để mua cây giống. Việc chọn cây giống là một trong những khâu quan trọng, quyết định đến sản lượng gỗ thu hoạch