Chỉ sau mấy năm “tiên phong” thực hiện dự án thí điểm VNEN, đến nay Khánh Hòa có tới 55 trường tiểu học, 4 trường THCS đã và đang “thí điểm giáo dục” khoảng 30.000 học sinh theo mô hình từ quốc gia ở châu Phi đã nêu.
VNEN “đột phá” hay “đột biến” giáo dục?
Ngay khi Bộ GDĐT bắt đầu thực hiện dự án VNEN, từ năm học 2011-2012, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa đã chọn 4 trường tiểu học với hơn 233 học sinh lớp 2 tham gia thí điểm. Sau đó, Khánh Hòa đã tăng nhanh, nhân rộng số trường thí điểm VNEN với số trường và số học sinh như đã kể trên (khoảng 30.000 học sinh/59 trường).
Số trường tiểu học của Khánh Hòa đang dạy thí điểm VNEN chiếm gần 30% trường tiểu học toàn tỉnh (55/186 trường). Trong đó, chỉ có 23 trường tham gia từ hai năm học thí điểm ban đầu là được “hưởng đầu tư” theo dự án VNEN của Bộ GDĐT triển khai. Dự án thí điểm đã kết thúc vào cuối năm học 2015-2016 nhưng vào năm học vừa nêu Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa vẫn triển khai “mở rộng VNEN”, tăng số trường thí điểm lên thành 43 trường và năm tiếp theo lên tới 55 trường tiểu học. Khánh Hòa cũng là một trong 6 tỉnh đầu tiên tham gia dự án ở cấp tiểu học tiếp tục triển khai thí điểm VNEN ở cấp THCS tại bốn trường ở TP Nha Trang và huyện Diên Khánh.
Theo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, việc thực hiện thí VNEN ở tỉnh này được triển khai một cách tích cực, tăng nhanh, tăng mạnh số trường thí điểm như đã kể trên là “để châm ngòi cho một cuộc “cải cách” trong giáo dục tiểu học” và “với mong muốn tạo một bước đột phá nhằm tiến tới đổi mới toàn diện trong giáo dục”. Việc dạy và học theo mô hình thí điểm VNEN đều thay đổi rất nhiều, khác xa với cách tổ chức dạy và học truyền thống, hiện hành của VN. Các trường dạy thí điểm VNEN phải được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng được nhiều điều kiện theo mô hình giáo dục của Colombia này. Nhà trường và học sinh học VNEN phải dạy và học 2 buổi/ngày mới thực hiện được hết nội dung, yêu cầu thí điểm.
Học sinh trong thí điểm VNEN không học sách giáo khoa “pháp lệnh” theo chương trình chính quy của quốc gia mà học theo tài liệu, sách thí điểm VNEN in riêng. Việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập của học sinh cũng theo “kênh riêng”, “hệ riêng” theo kiểu thí điểm của VNEN; không còn chấm điểm từng môn, tính điểm, xếp loại kết quả học kỳ, năm học theo điểm số như quy định chung đối với học sinh toàn quốc. Việc tổ chức, sắp xếp lớp học VNEN cũng được xáo lại hoàn toàn theo Hội đồng tự quản, nhóm học tập. Bàn ghế trong lớp cũng “không xếp như xưa” mà phải khiên kê, sắp xếp để học sinh xoay lại ngồi theo từng nhóm.
Học sinh học thí điểm VNEN bắt đầu từ lớp 2 và yêu cầu phải đọc, hiểu được chữ nghĩa của nhiều “từ ngữ lệnh” trong tài liệu hướng dẫn học VNEN để làm theo. Yêu cầu về cách học đối với học sinh trong lớp thí điểm VNEN là tự giác, tự học, tự quản, tự lĩnh hội kiến thức qua hoạt động, trao đổi, thảo luận với nhau trong nhóm, lớp là chính. Vì vậy, để giúp học sinh có “đủ vốn tiếng Việt” học thí điểm VNEN, hàng năm Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa phải tổ chức tập huấn, mở thêm chương trình “dạy tăng cường tiếng Việt” trong khi nghỉ hè. Việc “dạy tăng cường tiếng Việt” đó không chỉ cho học sinh dân tộc ít người ở miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh mà cả cho cả học sinh đã học xong lớp 1 chuẩn bị vào lớp 2 tại các trường thí điểm VNEN ở nhiều nơi khác. Kể từ năm 2012 đến nay, theo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, mỗi dịp hè đều có nhất hơn 1.190 học sinh đến trên dưới 2.000 em đã học xong lớp 1 được học thêm “tăng cường tiếng Việt”.
Còn thầy cô cũng phải học thêm cách dạy theo kiểu VNEN mới hướng dẫn được cho học sinh học thí điểm. Tính đến hết năm học 2017-2018, ở các trường thí điểm VNEN của Khánh Hòa có 1.438 giáo viên tiểu học tham gia cuộc thí điểm giáo dục đã nêu. Theo Sở GDĐT, giáo viên dạy VNEN đều được tập huấn từ 4-5 ngày, do Bộ hoặc Sở GDĐT tổ chức, hướng dẫn giảng phương pháp dạy VNEN để về dạy thí điểm. Còn kết quả thực hiện dự án thí điểm, theo bà Hoàng Thị Lý-phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh, Khánh Hòa đã được Bộ GDĐT đánh giá là một trong số các địa phương thực hiện thành công mô hình VNEN, thuộc một trong hai tỉnh dẫn đầu trong toàn quốc. Bộ GDĐT đã giới thiệu cho nhiều tỉnh, TP khác, gồm hà Nội, TPHCM, Long An, Vĩnh Phuc, Tiền Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai “học tập, chia sẻ kinh nghiệm” thực hiện VNEN của Khánh Hòa. Thế nhưng, dù được đánh giá “thành công” nhưng Khánh Hòa đã không mở rộng thêm số trường thí điểm VNEN ngoài số trường tiểu học đã triển khai đến năm học 2016-2017. Còn ở THCS thì không còn dạy VNEN đối với khối lớp 6 và 7, hiện chỉ còn phải dạy kiểu “cuốn chiếu” theo chương trình VNEN với khối lớp 8 và 9 của bốn trường đã lỡ thí điểm rồi chấm dứt luôn.
VNEN Khánh Hòa bí đầu lên…
Dù số trường tiểu học của Khánh Hòa tham gia thí điểm VNEN tăng nhiều, tăng ồ ạt nhưng ở cấp THCS việc thí điểm VNEN đã được hạn chế mở rộng. Cho đến nay, VNEN cũng chỉ tồn tại ở bốn trường đã tham gia thí điểm từ năm học 2014-2015, gồm các trường Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh) và Nguyễn Công Trứ, Lê Thanh Liêm (TP Nha Trang).
Tính từ năm học kể trên (2014-2015) đến nay, mỗi năm có hơn 2.260 em đến trên 5.500 học sinh lớp Năm “tốt nghiệp thí điểm VNEN” tại 55 trường tiểu học. Thế nhưng, chỉ có học sinh ở địa bàn học tại bốn trường THCS thí điểm vừa nêu mới học tiếp theo chương trình VNEN. Còn hàng ngàn học sinh đã học thí điểm VNEN tiểu học còn lại, khi vào các trường THCS khác phải học quay lại học theo chương trình chính quy và cách chấm điểm, “dạy học truyền thống”. Đó là tình trạng “VNEN Khánh Hòa bị bí đầu lên” ở THCS.
Ông Phan Văn Dũng-nguyên phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa phụ trách chuyên môn khối THCS và “không nhiệt tình ủng hộ” mở rộng VNEN lên cấp học này khi còn tại chức- đã cho biết “cách dạy và học theo mô hình thí điểm VNEN không phù hợp với nhiều môn học đối với học sinh THCS. Vì không đủ thời gian để giáo viên truyền đạt kiến thức quy định cho học sinh trong tiết học”. Bà Hoàng Thị Lý (hiện đang phụ trách Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa) cũng thừa nhận “mô hình VNEN chưa phù hợp để mở rộng thí điểm ở cấp THCS”.
Khập khiễng, khó công bằng khi xét tuyển
Một trong nhưng hệ quả thí điểm VNEN ở cấp THCS của Khánh Hòa đó là khi xét tuyển vào lớp 10. Theo quy định, việc xét tuyển lớp 10 căn cứ theo kết quả xếp loại học tập và rèn luyện từng năm học, trong bốn năm học THCS của học sinh. Trong đó, việc xếp loại học tập của học sinh THCS học theo chương trình chính quy là phải tính theo điểm kiểm tra của nhiều môn, nhiều lần kiểm tra, thi học kỳ. Thế nhưng, học sinh học thí điểm VNEN ở THCS có nhiều năm học lại không chấm điểm cụ thể để xếp loại như vừa nêu. Vì vậy, để có điểm xét tuyển lớp 10, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT tỉnh đã cho chỉ lấy điểm bài kiểm tra định kỳ của học sinh học VNEN làm kết quả điểm trung bình môn cả năm, để xếp loại kết quả học tập cho học sinh VNEN rồi đem xét chung với kết quả xếp loại của học sinh học chính quy như đã nêu. Theo nhiều phụ huynh học sinh đó là sự khập khiễng, thiếu công bằng khi xét tuyển lớp 10 đối với học sinh học “học theo hai kiểu, chấm theo hai hệ” dạy và học đã nêu.
Còn ở cấp tiểu học, theo Sở GDĐT Khánh Hòa “thống kế chất lượng giáo dục hàng năm cho thấy tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình của học sinh các trường thực hiện VNEN đều cao hơn so với các trường hiện hành”. Để chứng minh cho kết quả đó, trong báo cáo trình UBND tỉnh Khánh Hòa về thí điểm VNEN, Sở GDĐT đưa ra so sánh kết quả học tập của học sinh học theo hai mô hình giáo dục vừa nêu. Theo đó, kết quả “hoàn thành” từng năm học của học sinh đều cùng đạt tỷ lệ gần và trên 99% trở lên. Nhưng tỷ lệ học sinh toàn tỉnh học theo chương trình chính quy hiện hành có kết quả “hoàn thành” đều thấp hơn tỷ lệ của học sinh học VNEN từ 0,25-0,55%.
Thực tế, việc so sánh tỷ lệ kết quả học tập kể trên là rất khập khiễng. Bởi, về số lượng học sinh học chương trình chính quy hiện hành thường đông gấp hơn 3-4 lần số học sinh thí điểm VNEN được so sánh. Hơn nữa, các trường được chọn thí điểm VNEN đều có cơ sở vật chất đảm bảo theo yêu cầu cho mô hình thí điểm như đã kể trên. Còn thầy cô dạy các lớp thí điểm VNEN, theo sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa là đều được chọn những giáo viên “có trình độ chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, nắm bắt nhanh, sáng tạo…” trong quá trình dạy học tại các trường. Vì vậy, theo nhiều phụ huynh, giáo viên và cán bộ trong ngành GDĐT ở Khánh Hòa đó là “kết quả chưa thuyết phục” so với mức độ đầu tư và cả “hy sinh” của thầy cô giáo và học sinh trong cuộc thí điểm VNEN ở Khánh Hòa.
Sau khi có rất nhiều ý kiến bức xúc, trái chiều về hiệu quả mô hình VNEN, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cho các đơn vị phải tiến hành lấy ý kiến, “thực hiện chức năng phản biện đối với mô hình VNEN” mà ngành GDĐT Khánh Hòa đã triển khai thí điểm rộng khắp tỉnh đến nay đã tới 7 năm học.