Dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, dẫn tới tỷ lệ lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.
- Thời gian qua, người lao động (NLĐ) bị mất việc làm đang tăng mạnh. Vậy xin ông cho biết về những điều kiện đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm, NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
- NLĐ cần chuẩn bị những giấy tờ gì để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thưa ông?
- Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu.
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, khi đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, NLĐ cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân bản sao và bản chính để đối chiếu.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về cách tính hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào, thưa ông?
- Cũng theo luật này, tại khoản 2, Điều 50 quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này.
- Ông có thể cho biết thêm về bảo hiểm y tế và các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ thuộc đối tượng bảo hiểm thất nghiệp?
- Theo Điều 51 Luật Việc làm, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)