Chưa có người nước ngoài nào mua đất: Khó tin!

Thứ tư - 06/06/2018 22:16
Khánh Hòa đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc mua bán nhà đất trái phép cho người nước ngoài.

Trong phiên chất vấn sáng 5-6, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết theo quy định hiện hành, người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị. Tới nay Bộ TN&MT chưa phát hiện người nước ngoài nào mua đất.

Phát biểu của Bộ trưởng Hà khiến dư luận không hài lòng. Lý do là từ nhiều năm nay, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng người Trung Quốc (TQ) đứng đằng sau các thương vụ mua bán đất một cách tinh vi.

Vợ Việt đứng tên mua đất

Chị DTT, nhân viên kinh doanh tại một công ty bất động sản tại Đà Nẵng, cho hay cách đây ít ngày chị trực tiếp gặp một người đàn ông TQ đi cùng vợ hỏi mua đất tại quận Ngũ Hành Sơn. “Không riêng gì ven biển mà ở các khu đô thị mới trong nội thành, khách TQ rất nhiều. Có trường hợp chồng TQ mua đất rồi nhờ vợ người Việt đứng tên. Hoặc một nhóm người TQ đi coi đất cùng với một cô gái người Việt là vợ ai đó trong nhóm. Thấy đất được giá, họ bàn bạc một hồi và sau đó tôi thấy người vợ này đứng tên mua đất” - chị T. nói.

Cũng theo chị T., trước đây còn có tình trạng một số người Việt chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt bỗng đứng ra mua 3-5 lô đất một lần. Hỏi dò, một người tiết lộ có người TQ nhờ mua đất, đứng tên giúp và trả công hậu hĩ. Ngoài ra, các hội nhóm về đất đai trên Facebook lâu lâu vẫn thấy những bài đăng kiểu “Khách Hoa cần mua đất Đà Nẵng”…

Dễ nhận biết, khó chứng minh

Trong khi đó, người dân xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang cho biết gần đây giá nhà đất ở địa phương này liên tục tăng cao. Đáng chú ý, có một người đàn ông tên Quân đến từ Vĩnh Phúc mua khá nhiều nhà, đất. “Ông này chọn mua các vị trí đẹp với giá cao. Sau khi mua nhà thì có một số người TQ đến ở” - ông Cao Văn Tân, ngụ Võ Dõng, xã Vĩnh Trung nói.

Chỉ vào một ngôi nhà ba tầng mà ông Quân vừa mua, một số người dân địa phương cho biết gần đây có ba người TQ đến ở trong đó. Hằng ngày họ đi làm ở đâu không rõ, chiều tối về cũng đi chợ mua thức ăn như người dân địa phương. Khi PV tìm hiểu, cơ quan chức năng xác định những người TQ này chỉ thuê chỗ ở và đã thực hiện đầy đủ các thủ tục lưu trú theo quy định. Tương tự, hiện tượng người TQ sinh sống trong các căn nhà vừa chuyển nhượng cũng xuất hiện nhiều tại các xã vùng ven khác của TP Nha Trang như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng… Tất cả đều làm “đúng quy trình” dưới hình thức thuê nhà.

Ông VVN, giám đốc một công ty bất động sản ở Nha Trang, khẳng định chắc chắn có hiện tượng người TQ đứng sau người Việt mua nhà đất, gom đất tại nhiều địa phương ven biển. “Có rất nhiều yếu tố để nhận diện hiện tượng đó. Tuy nhiên, về mặt pháp lý rất khó xác định vì mọi giao dịch, thủ tục mua bán đều do người Việt thực hiện với nhau” - ông N. chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Thành Tân, chuyên môi giới bất động sản ở Nha Trang, cho hay đã trực tiếp chứng kiến người TQ đi cùng người Việt xem nhà, mua đất. Tuy nhiên, người TQ không bao giờ trực tiếp giao dịch với người bán mà chỉ trao đổi riêng với người Việt đi cùng. “Khi thấy người bán nhà nghi ngại, người Việt đi cùng giải thích là họ mua rồi sẽ cho người TQ này thuê lại để mở văn phòng. Ai cũng nghĩ người TQ nhờ người Việt đứng tên hộ để mua nhà đất nhưng không có chứng cứ vì họ liên kết ngầm với nhau” - ông Tân nói.

Các hiệp hội cảnh báo

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xác nhận gần đây có hiện tượng người TQ liên kết với người Việt mua nhà đất, cơ sở kinh doanh để làm các điểm trung chuyển đưa khách du lịch TQ đến Nha Trang. Những cơ sở này có diện tích khá rộng, vừa làm nơi trung chuyển, vừa xây dựng thành cơ sở kinh doanh, ăn uống phục vụ khách TQ, nhiều nhất tại xã Phước Đồng.

Một trong những điểm đó là cơ sở kinh doanh BA trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc xã Phước Đồng. Khu đất này rộng hơn 4.000 m2, lúc nào cũng có hàng chục xe du lịch loại lớn đưa đón khách TQ ra vào. Bên trong bãi đỗ xe là hai cửa hàng rộng lớn bán nệm mousse, hàng lưu niệm cho khách TQ. Cạnh đó là nhà hàng rộng có sức chứa hàng trăm người.

Ông HHV vốn là chủ khu đất trên kể: “Khi tôi bán khu đất trên, có người đề nghị tôi đứng tên hộ và sẽ được trả tiền hằng tháng để người TQ kinh doanh. Họ nói làm vậy để dễ làm thủ tục. Nhưng tôi không dám vì không biết họ làm gì. Sau đó, một người ở Hà Nội đứng ra mua đất rồi liên kết với người TQ làm ăn”.

Tại Đà Nẵng, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, cũng cho hay đơn vị đã nhiều lần cảnh báo tình trạng người nước ngoài núp bóng mua đất. “Người nước ngoài gom đất với giá cao gây bất ổn thị trường. Đó là chưa kể vấn đề an ninh quốc phòng. Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền, cơ quan chức năng chứ để tình trạng này kéo dài thì không ổn. Hiệp hội đã cảnh báo nhiều lần rồi” - ông Tuấn nói.

Cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc

Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh Khánh Hòa gần đây, ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh tình trạng lập vi bằng cho người Việt Nam đứng tên mua nhà, đất cho người nước ngoài. Ông Thân cho rằng nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong giao dịch dân sự, nhà cửa, đất đai, an ninh trật tự.

“Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo thành lập ngay tổ công tác liên ngành để xem xét, giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến người nước ngoài ở Nha Trang. Vấn đề đầu tiên đoàn liên ngành sẽ kiểm tra là việc mua bán nhà đất trái phép cho người nước ngoài” - ông Thân cho hay.

Còn tại Đà Nẵng, từ tháng 7-2016, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, xác nhận có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là người TQ) đã lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Từ nghị trường Quốc hội, bà Võ Thị Như Hoa (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, Giám đốc Sở Tư pháp TP) cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là do các quy định liên quan chưa chặt chẽ, còn tạo nhiều kẽ hở để lách luật.

Bà Hoa nêu ví dụ, một cá nhân người Việt đứng tên mua đất, sau đó họ góp vốn với doanh nghiệp nước ngoài và để doanh nghiệp này nắm giữ cổ phần chi phối. Hoặc ban đầu họ thành lập công ty cổ phần, trong đó người Việt góp 51%, người nước ngoài góp 49% rồi đi mua đất. Sau này cổ đông nước ngoài mua lại cổ phần trong nước và nắm giữ công ty, nắm giữ luôn bất động sản đã mua.

“Hiện chưa có quy định rõ ràng việc góp vốn bằng chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau này khi sửa các luật liên quan phải quy định cụ thể là sở hữu vốn góp bằng tiền thì khác, tài sản thì khác, chưa kể đất đai là hàng hóa đặc biệt” - bà Hoa đề xuất.

Bộ trưởng trả lời như vậy về mặt giấy tờ thì đúng. Vì quy định pháp luật không cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà đất riêng lẻ. Còn việc người ta núp bóng hình thức nào đó để mua nhà đất thì cũng không có con số chính thức, chưa có ai đi kiểm tra, khảo sát nên bộ trưởng chắc cũng không có số liệu.

ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA,  
Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng

Tác giả bài viết: TẤN LỘC - TẤN VIỆT
Nguồn tin: plo.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp