Bị cáo P.D.T.Đ (sinh năm 1995, trú TP. Nha Trang) lái taxi cũng tương đối lâu; bằng lái còn hạn. Vì vậy, không ai hồ nghi khả năng thông thuộc đường xá, cũng như tay nghề của Đ. Nhưng Đ. vẫn phải hầu tòa vì gây tai nạn, làm một em trai 12 tuổi đi xe đạp ngược chiều tử vong. Đáng nói, tai nạn xảy ra chỉ trong tích tắc, khi Đ. chợt thiếp đi lúc vẫn lái xe.
Hai cấp tòa đều nhận định, trong vụ án này, lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Đ. cũng không chối cãi nhưng trình bày, gia đình bị cáo thuộc diện khó khăn, cha và mẹ đều mất sức lao động. Một mình Đ. đi làm phụng dưỡng cha mẹ và nuôi em trai 14 tuổi học hành. Từ khi làm ở hãng taxi, Đ. luôn phải đối mặt với áp lực hoàn thành doanh số khoán. Để đủ doanh số, có thu nhập nuôi gia đình, Đ. luôn phải ráng chạy thêm vài cuốc xe mỗi ngày. Vụ tai nạn xảy ra trong tình cảnh như vậy. Sau nhiều ngày chạy xe liên tục, cả buổi sáng đó, Đ. cũng chạy xe chở khách không dừng. Đến 12 giờ, Đ. định cố chạy nốt chuyến đó rồi nghỉ trưa. Nhưng có lẽ, cơ thể đã quá mệt mỏi, không thể cố thêm được nữa, dù chỉ chốc lát. Đang lái xe, bị cáo chợt thiếp đi 1 - 2 giây, giật mình choàng tỉnh thì xe đã sang phần đường ngược chiều... Sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo rất hối hận, vay mượn 100 triệu đồng lo chu đáo mai táng cho người bị hại, rồi lại ngược xuôi vay tiếp, lo bồi thường 100 triệu đồng còn lại cho gia đình bị hại và được họ yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự. Được cấp phúc thẩm giảm 6 tháng tù, Đ. run run cảm ơn mà lòng chưa hết lo lắng 1 năm tới ngồi tù, ai lo cho gia đình...
Bất cứ ai từng ôm vô-lăng đều biết chuyện tài xế ngủ gật là một trong những nguy cơ gây ra tai nạn giao thông. Không chỉ người lái nghiệp dư, ngay những tài xế chuyên chạy xe khách, xe container đường dài cũng có thể rơi vào tình trạng lơ mơ, ngủ gật chỉ trong tích tắc. Chính vì sức khỏe, an toàn cho tài xế và người xung quanh, nghề lái xe không chấp nhận bất cứ tích tắc sơ sểnh nào. Bởi, chỉ cần 1 giây sơ sểnh, tai nạn có thể ập đến. Luật Giao thông đường bộ đã quy định thời gian làm việc của tài xế ô tô không quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ cũng là lường trước giới hạn tỉnh táo của người lái xe. Nhiều tài xế đúc kết, tai nạn giao thông ít xảy ra ở nơi có mật độ giao thông cao, khi kẹt xe, tắc đường, mà thường xảy ra ở những đoạn đường vắng, bởi khi đó, người lái dễ chủ quan, chạy nhanh, ít chú ý quan sát, hoặc bất chợt ngủ gật, còn những người tham gia giao thông khác dễ đi ẩu, phát sinh tình huống bất ngờ.
Thanh minh về tai nạn do ngủ gật, có người cho rằng, rất khó kiểm soát giấc ngủ bởi đó là cơ chế sinh học tự nhiên của con người. Người ta có thể chủ động thời điểm thức dậy nhưng không thể ấn định chính xác thời điểm bắt đầu ngủ. Nhưng xét ở góc độ khoa học pháp lý, trong giao thông đường bộ, vẫn có thể kiểm soát giấc ngủ bằng cách đừng tự đưa mình vào tình trạng buồn ngủ, để rồi mất tỉnh táo trong lúc điều khiển xe. Nói cách khác, đừng cố chạy thêm khi đã tới giới hạn, dù chỉ một quãng ngắn. Vì khi cơ thể đã tới ngưỡng chịu đựng thì chỉ cố chạy thêm chút xíu cũng thành vượt quá giới hạn và tất nhiên, tai nạn rất dễ xảy ra. Mọi lý do để chạy cố cũng trở nên vô nghĩa, chưa kể tài xế còn có thể vướng vòng lao lý.
TAM THUẬT