6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.
- Xin ông cho biết một số vấn đề tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua?
- 6 tháng đầu năm 2020, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh gia tăng, tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp. Cụ thể, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 229 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 74 vụ so với cùng kỳ năm trước; trong đó, địa bàn thị xã Ninh Hòa tăng 47 vụ; huyện Khánh Vĩnh tăng 16 vụ. Lực lượng kiểm lâm đã xử phạt vi phạm hành chính 182 vụ; khởi tố vụ án hình sự 3 vụ. Trong các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, các hành vi chủ yếu là khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật, sử dụng phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép, gây cháy rừng, tàng trữ lâm sản trái phép...
- Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
- Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp có nhiều nguyên nhân. Trong đó, đốt than, phát rừng làm rẫy vẫn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy rừng, mất rừng. Các nhu cầu bức thiết của đời sống xã hội về lâm sản, về đất đai để sản xuất đang tạo sức ép đối với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của một số đơn vị chủ rừng, địa phương chưa cao, việc thực hiện còn nhiều bất cập, thiếu các chính sách và động lực khuyến khích các địa phương, người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng. Các chủ rừng vẫn rất khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được Nhà nước giao. Trong khi các đối tượng phá rừng đối phó với lực lượng chức năng ngày càng tinh vi, thậm chí manh động chống trả quyết liệt lực lượng bảo vệ rừng.
- Xin ông cho biết các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới?
- Giải pháp căn cơ trước mắt là lực lượng Kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng, sẵn sàng hỗ trợ chủ rừng khi cần thiết; tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã để tổ chức lực lượng liên ngành truy quét, xóa bỏ các tụ điểm xâm hại rừng; kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến, mua bán lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời với truy quét trên rừng. Bên cạnh đó, cần triển khai nghiêm Chỉ thị số 13 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khẳng định công tác bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, nhất là dân cư ở nơi có rừng.
Về lâu dài, để công tác bảo vệ rừng đi vào bền vững, các địa phương cần thực hiện tốt việc lồng ghép các dự án, chương trình tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, các xã có rừng với công tác bảo vệ rừng… Đơn cử như chính sách hưởng lợi từ việc nhận khoán bảo vệ rừng của số hộ tham gia nhận khoán; đảm bảo mức thu nhập chính đáng cho hộ tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Có như vậy, người dân ở gần rừng mới tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH LA (Thực hiện)