Ẩn họa du lịch phượt tự phát

Thứ hai - 23/09/2019 12:38
Chuyến du lịch phượt tự phát của nhóm 16 người trẻ từ TP. Hồ Chí Minh ra khám phá Mũi Đôi (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã khiến 1 người tử vong và 1 người mất tích. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý đưa đón khách ra điểm tham quan này.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ẩn họa du lịch phượt tự phát

Chuyến du lịch phượt tự phát của nhóm 16 người trẻ từ TP. Hồ Chí Minh ra khám phá Mũi Đôi (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã khiến 1 người tử vong và 1 người mất tích. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý đưa đón khách ra điểm tham quan này.


Chuyến phượt định mệnh


Ngày 23-9, những cột sóng cao nửa mét ở biển Hòn Gầm (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) khiến công tác cứu hộ một nạn nhân mất tích tại khu vực này trở nên khó khăn. Nhóm phượt thủ trẻ mắt hướng về phía biển, nao lòng ngóng tin người bạn bị mất tích trước đó một ngày.

 

Một thành viên trong nhóm kể, nhóm gồm 16 người lập team phượt Mũi Đôi, chủ yếu là cựu sinh viên Trường Đại học Hoa Sen và một số trường khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Xuất phát từ 19 giờ ngày 19-9, đến 5 giờ sáng hôm sau, xe ô tô khách chở đoàn đến xã Vạn Thạnh. Khoảng 7 giờ, sau khi ăn sáng, nhóm nhờ một người địa phương dẫn đường bộ để đi khám phá Mũi Đôi. Sau khi cắm trại nghỉ lại một đêm tại danh thắng Mũi Đôi, nhóm thuê một chiếc ghe của người dân địa phương chở về. Chủ ghe chở đến khu vực biển Hòn Gầm trả khách. Khi gần vào tới bờ, do không có bến đậu, tàu không thể vào sát bờ nên chủ tàu chuyển tải khách bằng thúng chai. Trong khi hầu hết các thành viên đã vào bờ an toàn thì bất ngờ một số bạn nhảy xuống biển để bơi vào bờ. Tuy nhiên, khi mới bơi được một đoạn thì sóng lớn cuốn một số bạn ra xa. 2 trong số 4 người được cứu, còn 1 người mất tích và 1 người tử vong tại chỗ.


Thành viên được người dân cứu sống vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đó, có hai bạn bị trôi ra xa nên em bơi ra để nắm tay cứu bạn. Không ngờ em không cứu được bạn mà chút nữa mình cũng mất mạng”.

 

Một đội thợ lặn chuyên nghiệp được huy động tham gia  tìm kiếm nạn nhân.

Một đội thợ lặn chuyên nghiệp được huy động tham gia tìm kiếm nạn nhân.

 

Cần siết chặt quản lý

 

Ông Lê Hồng Phương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh: Ngay sau khi sự việc xảy ra, xã đã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức cứu nạn. Tuy nhiên, do khu vực bị nạn hướng ra Biển Đông, sóng lớn, lại có rạn san hô sát bờ nên tàu thuyền rất khó tiếp cận. Ngày 22-9, xã đã nhờ một số tàu giã cào, thợ lặn tham gia tìm kiếm nhưng không có kết quả. Ngày 23-9, xã tiếp tục cùng với Đồn Biên phòng Đầm Môn nhờ tàu của ngư dân từ Đại Lãnh ra để cứu nạn và thuê một đội lặn biển chuyên nghiệp cùng ngư dân tìm kiếm người bị nạn. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều vẫn chưa tìm được nạn nhân mất tích là Trần Lê Sĩ Liêm (sinh năm 1996, trú Phú Tân, tỉnh An Giang).

Tháng 6-2019, sau vụ tai nạn trên biển tại Điệp Sơn bằng ghe gỗ khiến 2 người tử vong, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng du lịch chui. Thế nhưng, bỏ qua những điều đó, nhiều người vẫn coi thường tính mạng của chính mình bởi sự thiếu hiểu biết.


Tìm hiểu được biết, hiện nay, hầu hết khách đi du lịch đến Mũi Đôi đều thuê ghe tàu của người dân địa phương chở đi. Trong khi đó, theo quy định, muốn đưa đón khách phải có đăng ký kinh doanh, đáp ứng các điều kiện cần thiết về an toàn, được cơ quan chức năng kiểm soát khi xuất bến và đặc biệt người lái phải có bằng thuyền trưởng… Ông Nghĩa - chủ ghe chở nhóm phượt nói trên thừa nhận, ông chỉ chở khách “chui” chứ không đăng ký kinh doanh. Tàu cá của ông cũng chỉ có công suất 33CV.


Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, hiện nay chưa có một tour tuyến bài bản nào đưa khách ra Mũi Đôi. Đa số khách đi du lịch tự phát ra khu vực này, đây là việc làm rất nguy hiểm. Người tham gia phượt phải được trang bị những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn, bởi đường đi tại nơi này rất khó khăn, chưa có đường ra mà phải xuyên rừng nếu đi bộ; còn đi đường biển thì phải xuất phát từ các bến dân sinh, người dân tự đưa đón khách, rất nhiều bất cập.


Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, việc du lịch chui, tự phát thực sự là vấn đề nhức nhối của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý vấn đề này gặp khó do chính quyền không thể nắm được lịch trình của họ nên không kiểm soát hết được. Thời gian tới, huyện tiếp tục yêu cầu lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý, yêu cầu chủ tàu cá không được chở khách; đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân không tham gia các tour du lịch chui đến những điểm du lịch mạo hiểm.


THÀNH NAM
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp