Xét xử vụ mất tiền trong két sắt ở Vạn Ninh: Hủy án sơ thẩm để điều tra lại

Thứ hai - 21/01/2019 22:46
Hơn 350 triệu đồng trong két sắt biến mất, một thủ quỹ bị kết tội tham ô tài sản nhưng kêu oan. Tuần vừa qua, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Hơn 350 triệu đồng trong két sắt biến mất, một thủ quỹ bị kết tội tham ô tài sản nhưng kêu oan. Tuần vừa qua, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.


Tiền trong két “bốc hơi”


Hồ sơ sơ thẩm thể hiện, từ tháng 5-2014 đến ngày 7-1-2016, Võ Thị Bích Huyền (sinh năm 1983, trú thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) làm thủ quỹ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh (viết tắt là trung tâm) và được giao quản lý hơn 758 triệu đồng tiền tồn quỹ tính đến ngày 5-1-2016. Đây là tiền được UBND huyện giao cho trung tâm để đền bù, giải tỏa cho các hộ bị ảnh hưởng do thi công một số công trình trên địa bàn và tiền chi thường xuyên của các dự án. Tiền để trong két sắt đặt tại phòng kế toán; Huyền ngồi làm việc tại phòng phát triển quỹ đất.


Sáng 5-1-2016, Huyền sang phòng lấy tiền chi trả bồi thường hơn 20 triệu đồng rồi cất số còn lại vào két, khóa và để chìa khóa trên nóc két. Trưa cùng ngày, Huyền sang phòng kế toán khóa cửa và ra về sau cùng. Đầu giờ chiều cùng ngày, Huyền tới cơ quan thì gặp kế toán. Huyền mượn chìa khóa mở cửa phòng thì phát hiện két sắt đã bị mở, bên trong chỉ còn hơn 1 triệu đồng.


Công an xác định khu vực cơ quan không có dấu hiệu nghi vấn, két sắt không bị cạy phá, biến dạng, chỉ có một dấu đường vân tay ngón trỏ phải của Huyền, không có việc trộm cắp xảy ra tại trung tâm.


Quá trình điều tra, Huyền khai, trong hơn 758 triệu đồng được giao quản lý, trước đó, Huyền đã lấy một phần chi trả cho người dân rồi để quên 2 cọc tiền (tổng cộng hơn 347 triệu đồng) trong tủ đựng giấy vụn. Ngoài ra, trước khi quỹ được bàn giao cho Huyền, 2 nhân viên đã làm thất thoát 25 triệu đồng. Sau khi nhận bàn giao, Huyền đã chi tạm ứng cho 2 nhân viên khác 24 triệu đồng và tự ý tạm ứng cho bản thân 10 triệu đồng mà không được lãnh đạo đồng ý, không có giấy tạm ứng. Huyền bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 362 triệu đồng, gồm 10 triệu đồng tự tạm ứng cho bản thân và hơn 352 triệu đồng bị thất thoát khỏi két. Huyền đã giao nộp và khắc phục cho trung tâm gần 758 triệu đồng. Ngày 20-9-2018, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Huyền 7 năm tù về tội tham ô tài sản.


Chưa đủ cơ sở pháp lý


Từ giai đoạn sơ thẩm đến phúc thẩm, bị cáo đều kêu oan và khai, ngày xảy ra vụ án, sau khi chi tiền, bị cáo chỉ khóa két bằng chìa, không khóa bằng mã số. Kế toán cũng có chìa khóa két. Bị cáo thừa nhận đã tự ý tạm ứng cho bản thân 10 triệu đồng nhưng sau này đã trả lại, không chiếm đoạt. Các biên bản hỏi cung thể hiện bị cáo thừa nhận chiếm đoạt 10 triệu đồng là do cách ghi của điều tra viên, không đúng ý chí của bị cáo.


Luật sư bào chữa cho bị cáo lập luận, đối với khoản tiền hơn 352 triệu đồng, bị cáo là thủ quỹ mà không quản lý chu đáo, để mất tiền nên phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải tội tham ô tài sản. Để kết tội này, phải chứng minh có hành vi chiếm đoạt. Nhưng thực tế, bị cáo không cạy phá, tạo hiện trường giả, hay lập chứng từ giả, tẩy xóa, sửa chữa hóa đơn, tài liệu, sổ sách nhằm chiếm đoạt tiền; cơ quan tố tụng chỉ dựa vào kết quả đối chiếu sổ sách để kết tội bị cáo. Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi kết thúc xét hỏi, chủ tọa không cho bị cáo tự bào chữa, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.


Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, lời khai của bị cáo, bị hại, nhân chứng xét hỏi công khai tại tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh nhận định, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt hơn 362 triệu đồng là chưa đủ cơ sở pháp lý.


Đối với số tiền hơn 352 triệu đồng, chưa đủ căn cứ pháp lý xác định bị cáo đã chiếm đoạt. Bởi lẽ, bị cáo được giao quản lý két sắt nhưng két lại đặt ở phòng kế toán, còn bị cáo thường xuyên làm việc ở phòng bên. Ngoài khóa bằng khóa số có mật mã, két sắt còn có ổ khóa bằng chìa mà cả bị cáo và kế toán cùng có chìa khóa. Ngày xảy ra vụ án, bị cáo chỉ khóa két bằng chìa và để quên chìa trên nóc két, ra về sau cùng. Trưa đó, có một khoảng thời gian trống không ai bảo vệ trung tâm. Hiện trường đã bị xáo trộn do nhân viên đi lại. Ngoài 1 đường vân tay của bị cáo, cơ quan chức năng còn phát hiện 2 đường vân mờ nhưng không đủ điều kiện giám định. Việc xác định bị cáo chiếm đoạt tiền dựa vào kết quả đối chiếu sổ sách và trách nhiệm quản lý tiền trong két là chưa thỏa đáng với dấu hiệu khách quan của tội tham ô tài sản. Kết luận điều tra, cáo trạng tuy xác định bị cáo tạo dựng hiện trường giả để chiếm đoạt tiền, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện viện kiểm sát đã rút nội dung này. Như vậy, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ai chiếm đoạt hơn 352 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo là thủ quỹ mà chưa làm tròn trách nhiệm quản lý, để thất thoát tiền, có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.


Đối với khoản 10 triệu đồng, bị cáo khai tạm ứng để sử dụng nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh; lãnh đạo trung tâm không biết việc này. Đây là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản.


Sau 4 ngày xét xử, nghị án, tuần qua, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.


NGUYỄN VŨ

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp