Phiên tòa phúc thẩm xét xử 2 anh em bị cáo T.A.K (sinh năm 1988) và T.T.V (anh trai K., sinh năm 1982, cùng trú Vạn Thắng, Nha Trang) căng thẳng từ đầu đến cuối bởi 2 anh em bị hại kiên quyết không tha thứ.
Ra tòa với tài liệu chuẩn bị sẵn, phía bị hại phân tích, nhấn mạnh: đề nghị hủy án, xét xử 2 bị cáo về tội giết người, thay vì tội cố ý gây thương tích; nếu không hủy án thì đề nghị tăng hình phạt, tăng bồi thường. Một bị hại lập luận: Cáo trạng mô tả, tối đó, K. đi qua quán tạp hóa và nhìn bị hại vì tưởng người quen. Cho rằng K. nhìn đểu, bị hại lấy mã tấu trong cốp xe đuổi theo chém nhưng không trúng. Nhưng thực ra, K. không chỉ nhìn mà còn chủ động tấn công trước, vì vậy bị hại mới lấy mã tấu. Bị hại rủ một người bạn đi đánh lại thì bị K. nhặt cây đánh. Sau khi nhận ra người quen, người bạn này đã kéo bị hại về. Nhưng K. vẫn về kể cho V. nghe, rồi cả hai chuẩn bị vũ khí tấn công anh em bị hại khi họ quay lại lấy xe. Lúc qua nhà bị cáo, bị hại nghe có tiếng nổ lớn, sau đó có một nhóm thanh niên đuổi theo, cầm vũ khí đuổi đánh, làm một bị hại gục ngã, người còn lại bị bắn vào vùng trọng yếu, để lại 3 vết thương. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã lấy ra mảnh đạn chì. Cơ chế súng cồn tự chế không thể gây ra nhiều vết thương như vậy. Do đó, không phải bị cáo dùng súng cồn mà phải là súng hoa cải. Với cự ly bắn gần như vậy, hoàn toàn có thể gây chết người, sao lại chỉ buộc tội cố ý gây thương tích? Bị cáo có sử dụng, tàng trữ vũ khí trái phép mà không truy tố tội này? Bị cáo không trả hết tiền bồi thường là không hối cải!...
Ngược với thái độ gay gắt đó, 2 bị cáo nhỏ nhẹ trình bày. Họ là hàng xóm với anh em bị hại, nhà hai bên cách nhau chừng 50m. Trước phiên tòa sơ thẩm, họ đã bồi thường 40 triệu đồng, sau đó bồi thường tiếp 10 triệu đồng. Do không hiểu biết, họ nghĩ phải chờ phúc thẩm xong mới bồi thường nốt. Bị cáo đánh bị hại bằng khúc cây vì trước đó bị hại cầm mã tấu đuổi chém. Bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm về nuôi con nhỏ, mẹ già.
Phía bị hại lại phản ứng gay gắt. Nhưng một nhân chứng đến tòa cho biết, anh ở cùng xóm, quen cả bị hại và bị cáo. Hôm đó, anh vừa đi làm về và đi ăn thì gặp khoảng 7 người nhóm bị hại, trong đó anh biết tên 1 thanh niên. Nhóm bị hại hỏi anh về V. thợ sắt. Thấy họ cầm dao, gậy, anh gọi điện thoại hỏi V. trước đó có gây lộn không, nếu không thì ở nhà đóng cửa lại vì anh thấy nhóm bị hại định xuống tìm V. Tòa cũng công bố lời khai của một nhân chứng khác, người này bán tạp hóa cách nhà K. chừng 10m. Đang bán hàng, người này nghe có tiếng đá rào rào ném về phía nhà K., sau đó nghe 1 tiếng súng nổ to.
Tuy vậy, một bị hại vẫn thản nhiên chối: đâu biết vì sao nhân chứng khai vậy! Hôm đó, ở nhà chẳng có bạn bè nào tới, chẳng người nào tên như nhân chứng khai. Anh em họ chỉ định đến lấy chiếc xe để gần nhà K. do có sự việc xảy ra trước đó. Họ không đi cùng ai, không mang vũ khí gì, không ném đá. Rõ ràng họ nghe thấy 3 tiếng súng, là tiếng súng hoa cải. Họ không nhớ chính xác nhà bị cáo ở đâu, nhưng không lý giải được vì sao mô tả chính xác vị trí xe máy để ở gần nhà bị cáo.
Nghe tòa tuyên giữ nguyên mức án, chỉ chấp nhận tăng mức bồi thường, 2 anh em bị hại ra về với ánh mắt tức tối gửi lại 2 bị cáo. Anh em V. và K. đã phải trả giá về hành vi gây thương tích cho bị hại bằng việc cùng vào tù. Nhưng về phía bị hại, có lẽ, họ chẳng hề nhớ vụ án khởi đầu từ việc họ tự cho rằng K. nhìn đểu và lấy mã tấu đuổi chém, rồi tiếp tục đến nhà bị cáo. Vậy mà ra tòa, họ chỉ chăm chăm nhắc tội, đòi tăng nặng hình phạt với cả 2 bị cáo. Xem ra, bị hại chưa thể buông bỏ nỗi tức tối.
TAM THUẬT