Khó khăn lắm cô Phan Thị Kim Oanh - cán bộ phục hồi chức năng - y tế của Trung tâm BTXH-CTXH thị xã Ninh Hòa mới đưa được bé Gia Hưng (10 tuổi, bị bại não) vào phòng tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, chỉ đi được vài bước trên cầu thăng bằng, bé Gia Hưng lại giằng tay cô Oanh và chạy ra khỏi phòng. Cứ như vậy, cả cô lẫn trò phải rất vất vả mới hoàn thành bài tập đi trong buổi sáng. Hơn 9 năm công tác tại trung tâm, gắn bó với các em cả ngày và đêm nên cô Oanh luôn coi các em như con. “Ngay từ những ngày đầu bước chân vào “ngôi trường” đặc biệt này, tôi đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Hàng ngày, nhìn những mảnh đời bất hạnh, tôi và cán bộ, giáo viên càng thêm động lực để chăm sóc, giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng. Có nhiều em ở lâu với các cô nên thành thân thuộc, khi gia đình đón về nhà vài ngày đã nằng nặc đòi lên trường”, cô Oanh kể.
Tại phòng học văn hóa trên tầng 2 của trung tâm, hơn 10 học sinh đang chăm chú học bài. Nhìn những dòng chữ được viết nắn nót, ngay ngắn trên từng trang vở, ít ai nghĩ đây là lớp học dành cho trẻ bị khuyết tật về nghe nói. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo - giáo viên trung tâm, tất cả các em tham gia học tập tại đây được phân lớp theo từng dạng tật. Ngoài nội dung chương trình giảng dạy thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho trẻ khuyết tật, đội ngũ giáo viên còn tự tìm tài liệu, soạn giáo án riêng để dạy cho sát với tình hình và dạng tật của các cháu. Ở đây, các em được tập những kỹ năng cơ bản như: đi, đứng, viết…, điều tưởng như đơn giản với các trẻ bình thường nhưng là cả kỳ tích với các em khuyết tật. Nhiều trường hợp khuyết tật nặng, khi mới đến trung tâm chỉ la hét, sợ sệt nhưng với sự chăm sóc, kèm cặp tận tình của các cô, sau một thời gian ngắn đã biết viết những chữ cái đầu tiên.
Theo ông Lê Đình Thu - Quyền Giám đốc Trung tâm BTXH-CTXH thị xã Ninh Hòa, trung tâm thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng BTXH trên địa bàn Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh như: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; trẻ em và người khuyết tật đặc biệt nặng; cung cấp các dịch vụ CTXH cho cá nhân, nhóm và cộng đồng. Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng và dạy 42 trẻ, trong đó có 36 trẻ khuyết tật, còn lại là trẻ mồ côi. “Thời gian qua, tuy có nhiều khó khăn do trình độ, lứa tuổi của các đối tượng không đồng đều, nhưng cán bộ, giáo viên của trung tâm luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm qua, kết quả học tập của trẻ khuyết tật có 35/35 cháu đạt; 6 trẻ mồ côi đang theo học văn hóa tại các trường ở thị xã Ninh Hòa thì có 2 cháu đạt học sinh giỏi, 1 cháu đạt học sinh tiên tiến. Công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các cháu luôn được chú trọng”, ông Thu cho biết.
Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện nhiều hoạt động như: hướng dẫn chuyên môn cho cộng tác viên CTXH cơ sở; tư vấn CTXH cho các trường hợp qua đường dây nóng và trực tiếp; hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ cho nhóm phụ huynh ở các phường; tư vấn chính sách, ưu đãi cho người khuyết tật… Hiện nay, cơ sở vật chất tại cơ sở 2 của trung tâm đang được hoàn thiện với nhiều phòng chức năng như: hội trường, nhà ăn, phòng ngủ, khu vực trồng rau sạch, khu trị liệu… Cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn là điều kiện để trung tâm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dạy đối tượng BTXH.
Hy vọng, với điều kiện cơ sở vật chất tốt, sự tận tâm, nhiệt tình của cán bộ, giáo viên của trung tâm, bữa ăn, giấc ngủ và việc học tập của trẻ em khuyết tật nơi đây sẽ ngày càng tốt hơn.
Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian qua, Trung tâm BTXH-CTXH thị xã Ninh Hòa không chỉ làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, đẩy mạnh công tác xã hội mà còn thực hiện tốt việc vận động, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ các đối tượng BTXH. Nhờ đó, hoạt động của trung tâm có nhiều chuyển biến, khởi sắc hơn trước.
MAI HOÀNG