Đến với con đường trên biển
Theo những hướng dẫn viên du lịch chia sẻ thì 5 năm trở lại đây đảo Điệp Sơn được khách du lịch biết và tìm tới khá đông bởi đây là hòn đảo duy nhất ở Việt Nam có lối đi giữa biển.
Có thể hình dung Điệp Sơn là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ có diện tích 150.000 ha, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó mặt nước là 80 ha. Điệp Sơn có cấu tạo địa hình khoảng 70 ha diện tích đất liền của các đảo, quây quanh 80 ha đầm vịnh.
Từ cảng cá Vạn Giã, tàu đi Điệp Sơn thường xuất phát từ 9–11h tùy theo con nước hàng ngày. Và giờ tàu về đất liền từ khoảng 5- 6 giờ sáng. Nếu không đi theo cách thông thường này, khách du lịch có thể đi từ Vạn Giã xuống Tân Dân rồi thuê ghe chở. Chiếc ghe nhỏ chở 5-6 khách có giá cho thuê từ 300.000 - 500.000 đồng.
Hành trình khám phá đảo Điệp Sơn có thể tính bắt đầu từ thị trấn Vạn Giã. Du khách sau khoảng một giờ đồng hồ lênh đênh trên biển có thể thu vào tầm mắt khá trọn vẹn quần đảo Điệp Sơn.
Thật không thể nao lòng với một màu xanh của cây cối, màu đỏ thẫm của những mái nhà lợp ngói và những bãi biển xanh trong màu ngọc bích. Nếu bạn đang sống ở những thành phố lớn ồn ào náo nhiệt thì Điệp Sơn thực sự là khung cảnh thanh bình yên ả hiếm hoi mà bạn được tận hưởng.
Dạy học nơi đảo khó
Thượng tá Nguyễn Hồng Hà – Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa – người dẫn chúng tôi ra đảo cho biết: Điệp Sơn có khoảng 80 hộ dân và sống chủ yếu bằng nghề chài lưới đi biển.
Đến nay mọi sinh hoạt của người dân vẫn khá vất vả vì chưa có điện lưới, tất cả đều phụ thuộc vào máy phát điện. Mỗi gia đình chỉ có 3h đồng hồ từ 16-21h sử dụng điện hàng ngày. Và nước ngọt trên đảo cũng còn khá thiếu thốn…
Có điều với một cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, chưa phát triển đồng bộ nhưng giáo dục đã được quan tâm chú ý để mọi trẻ em đến tuổi đều được tới lớp đầy đủ.
Tại điểm trường Điệp Sơn thuộc trường phổ thông cấp I – II Vạn Thành, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng 3 cô giáo Nguyễn Thị Thu Thuyết (sinh năm 1990); Hồ Thị Thêu (1989); Ngô Thị Nhanh 1992. Họ đều là những giáo viên trẻ vừa ra trường và nhận nhiệm vụ công tác ngoài đảo.
Tại điểm trường Điệp Sơn hiện có 28 học sinh thuộc 5 lớp và 2 phòng học chính. (Trong đó lớp 1 có 3 học sinh; lớp 2 có 9 học sinh; lớp 3 có 4 học sinh; lớp 4 có 7 học sinh và lớp 5 có 5 học sinh). Vì dân số ngoài đảo chưa đông nên số học sinh ở tuổi đến trường cũng không đông và ở lứa tuổi khá đa dạng. Trong khi đó tại điểm trường mới chỉ có 2 phòng nên vẫn phải duy trì việc học ghép lớp.
Cô Thuyết nhớ lại những ngày đầu ra đảo nhận nhiệm vụ dạy học khá vất vả và bỡ ngỡ với điều kiện hoàn cảnh sống. Học sinh thì ít, xa gia đình, ngoài đảo lại không có điện, sóng điện thoại khá phập phù, việc đi lại giữa đảo và đất liền vất vả… Không tránh khỏi sự tác động tâm lý, cô Thêu đã từng nghĩ tới việc xin chuyển về đất liền.
Thế nhưng, nhìn những học sinh thơ dại ngoan ngoãn, biết nghe lời; những phụ huynh nghèo khó nhưng luôn quý mến trân trọng các cô giáo trẻ… mà cô và các đồng nghiệp lại không nỡ bỏ ngang công việc. Mỗi người lại tự nhủ mình phải cố gắng chịu đựng hòa nhập với cuộc sống hơn nữa. Và thế là chỉ sau một năm dạy học ngoài đảo các cô đã quen và thích nghi với điều kiện sống khó khăn ngoài đảo.
Chia sẻ với những tâm tư của các cô giáo đang dạy ở điểm trường Điệp Sơn chúng tôi được biết về cơ bản các cô đã yên tâm với công việc dạy học tại đảo. Cho dù, trong những ánh mắt nụ cười ấy vẫn là biết bao lo lắng về những vất vả sẽ phải vượt qua.
Những thách thức cơ bản mà các cô phải đối diện là vấn đề điện nước sinh hoạt khá hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cũng như phục vụ cho công tác giảng dạy hàng ngày. Các cô vẫn phải soạn giáo án dưới ánh đèn tích điện đèn dầu mỗi buổi tối, sóng và mạng điện thoại yếu hoặc không có, vào mùa nước ngọt hiếm phải đi xin nước dùng ở những điểm cách xa trường; Đồng lương giáo viên mới ra trường eo hẹp song vẫn phải trang trải các khoản sinh hoạt phí đắt hơn ngoài đất liền.
Cô Thuyết cũng cho biết thêm, con đường từ đất liền ra đảo của các cô khá nguy hiểm. Mỗi tuần các cô lại theo ghe đò của dân về nhà với giá 20.000đ/lượt. Như vậy mỗi tháng đi đều đặn sẽ mất gần 200.000đồng.
Tuy nhiên, đi ghe đò khá chòng chành. Sợ nhất những khi vào mùa đông, gió thổi mạnh thuyền nghiêng ngả. Cho dù có mặc áo phao thì sự nguy hiểm tới tính mạng cũng không hết. Nhiều khi cuối tuần đã chuẩn bị về với gia đình thì lại có gió bão thế là lại ở ngoài đảo 1- 2 tuần đợi tới khi sóng yên biển lặng người dân mới đi đò.
Được biết, hiện ngoài đảo vẫn chưa có trạm y tế nên mọi ốm đau cần đến cấp cứu hay sơ cứu ban đầu đều phải trở vào đất liền. Nếu ốm đau bất thường vào ban ngày thì việc xử lý còn thuận lợi nhưng không may diễn ra vào đêm tối và thời tiết không thuận lợi thì vô cùng nguy hiểm khó khăn.
Nói về việc dạy học, các cô giáo cũng cho biết: Phụ huynh đa số đều thuộc dân lao động, ngày đêm bám biển mưu sinh nên sự quan tâm đến học hành con cái hầu hết trông đợi vào cô giáo. Nếu các cô thiếu kiên nhẫn, thiếu tình thương thì học sinh sẽ thiệt thòi.
Chính vì vậy, dù dạy học trong những lớp ghép khá vất vả, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi các cô lại dành cho việc kèm cặp những học sinh yếu kém. Chia sẻ với từng hoàn cảnh số phận thiệt thòi của các em, dạy bảo các em thay những người làm cha mẹ.
Điệp Sơn giờ đây đã trở thành hòn đảo du lịch nổi tiếng. Đời sống xã hội sẽ dần có những chuyển biến tích cực từ du lịch mang lại. Giáo dục cũng như các mặt của xã hội sẽ được đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên những khó khăn trước mắt vẫn là thử thách cho người dân và những thầy cô giáo đang dạy học nơi đây.
Và trong những thách thức ấy càng cần hơn bao giờ hết những tấm lòng, sự hy sinh của những cô giáo trẻ. Sự cống hiến của họ không chỉ là tuổi thanh xuân, là kiến thức mà còn cả tấm lòng vì những học trò. Và trong tương lai, khi Điệp Sơn trở thành hòn đảo phát triển thì các cô chính là những người đã góp phần công sức làm nên sự chuyển mình đáng kể cho Điệp Sơn.