Vừa thưởng thức những bản nhạc xưa, vừa nghe ông kể say sưa những câu chuyện về những món đồ âm nhạc xưa cũ, cơ duyên với niềm đam mê sưu tầm liên quan âm nhạc, ngay lập tức cảm nhận ở người đàn ông trạc 50 tuổi một niềm say mê mãnh liệt..
Cặm cụi tìm những băng hay của các ca sĩ nổi tiếng thời trước 1975 mở giới thiệu, ông Hùng tâm sự: “Ngay từ khi còn rất nhỏ, nhà tôi có tiệm chè rất lớn ở cạnh rạp phim Tân Tiến, TP Nha Trang (nay đã không còn - PV).
Lúc đó, ngày nào tôi cũng được nghe nhạc từ hai dàn máy Teac mở nhạc phục vụ khách, dần dần âm nhạc ngấm sâu vào trí óc, dẫn đến đam mê. Cho đến những năm 1980, những máy nghe nhạc, những radio sản xuất trước năm 1975 người ta bắt đầu bỏ đi, dần thay thế bằng các loại máy kỹ thuật số.
Vì đam mê âm nhạc ăn sâu vào máu thịt, tôi thấy tiếc nuối và mong muốn lưu giữ lại những âm thanh xưa cũ một thời để truyền cho các thế hệ về sau, nên đi sưu tầm mua lại khắp nơi”.
Ngôi nhà ba tầng đặt đầy những radio, máy phát nhạc băng cối, đĩa than, băng nhạc xưa cùng những tờ nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng làng tân nhạc Việt Nam. Ông Hùng cho hay, thời trước, có những chiếc máy nghe nhạc người chơi có thể phải đổi một hoặc vài căn nhà mới có thể sở hữu.
Dù đã đầy một nhà “cổ vật” nhưng ông vẫn không ngừng tìm kiếm, làm giàu thêm bộ sưu tập của mình. “Mỗi khi đi đâu gặp được một cái máy cũ tôi lại mua về, hễ cứ nghe ai mách bảo ở đâu có đầu máy phát nhạc băng cối, radio cũ, tờ nhạc xưa… tôi lại hỏi đến mua.
Có những đầu máy tôi mua ở tận các tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên, Bình Định, thậm chí tôi còn hỏi mua ở nước ngoài… Tôi cũng hay chú ý đến các bà đồng nát để xem có các loại máy phát nhạc hay radio xưa người ta bỏ đi thì mình mua lại về phục chế sửa chữa”, ông cho hay.
Về độ “hay – bền” của các thiết bị xưa, ông Hùng giải thích: “Những chiếc máy này có âm thanh trung thực, giọng hát xưa không qua chỉnh sửa như thời nay. Có những chiếc radio đã hơn 90 tuổi đời, có những máy phát nhạc tới cả 100 năm như máy quay đĩa dây thiều loa kèn mà vẫn chạy tốt. Có những lúc tôi có khoảng 6.000 tờ nhạc, 200 đầu máy phát nhạc băng cối, vài trăm radio… Vì không sử dụng hết nên tôi bán bớt, thường chỉ giữ lại những máy, những tờ nhạc có giá trị”.
Ông Hùng nói thêm: “Như băng cối, nếu muốn chơi thì phải am hiểu, khéo léo, nếu không băng sẽ bị rối, đứt, nhiễm âm thanh. Có cái khó nữa là phải tìm tòi băng nhạc hay để nghe, vì thời nay người ta đã không sản xuất ra băng cối nữa”.
Hiện ông Hùng lưu giữ hơn 100 máy phát nhạc của các hãng nổi tiếng như Akai, Teac; 200 radio của các hãng National, Sharp, Pioneer, Hitachi; hàng trăm đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 200 băng cối sản xuất trước năm 1975 của những nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… với nhiều giọng hát của các danh ca như Khánh Ly, Phương Dung, Thanh Thúy, Lệ Thu, Hà Thanh, Thái Thanh, Duy Trác, Sỹ Phú… Trong đó, có những băng gốc ông mua rất đắt tiền như Tiếng hát Duy Khánh 1, Tiếng hát Phương Dung 1, Tiếng hát Tơ Vàng, Tiếng hát Từ Công Phụng…
Ngoài ra, ông còn lưu giữ hơn 2000 tờ nhạc của những “cây đa cây đề” làng âm nhạc Việt Nam như nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước… 2000 tờ nhạc này là kết quả sưu tầm tìm kiếm của ông trong hơn 30 năm.
Niềm đam mê âm nhạc của ông Hùng được nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng quý mến. Nhạc sĩ Từ Công Phụng tuy ở Mỹ nhưng vẫn gửi tặng ông các tập nhạc đã phát hành, ca sĩ Khánh Ly đã tặng ông nhiều băng đĩa của mình...
Theo nhiều người đánh giá, cuộc sống đã hiện đại hơn, người ta sáng chế ra đủ các loại máy nghe nhạc kỹ thuật số, nên việc ông Hùng sưu tầm những thiết bị nghe nhạc xưa cũ, không chỉ là một thú chơi, mà còn có ý nghĩa lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc của một thời.