Ngày 27/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị kiên quyết đình chỉ hoạt động các bè nổi không đủ điều kiện hoạt động (chủ yếu là nhà hàng nổi tự chế).
Tăng cường kiểm tra đối với các bè nổi đã ngưng hoạt động hoặc đã cam kết ngưng hoạt động kinh doanh phục vụ ăn uống, các bè đã tháo dỡ biển hiệu kinh doanh để đảm bảo các bè này không tái hoạt động; vận động, yêu cầu các chủ tàu viết cam kết không đưa khách đến các nhà hàng bè nổi hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa được cấp phép theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 45 bè nổi hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, tuy nhiên chỉ có 5 bè nổi được cấp giấy chứng nhận phương tiện thủy nội địa, còn lại hầu hết là phương tiện tự chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Trước đó, ngày 27/9/2018 Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 1272/UBND-KGVX, yêu cầu UBND thành phố Nha Trang kiểm tra, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các bè nổi không đủ điều kiện nhưng đang hoạt động phục vụ khách du lịch.
Văn bản lưu ý, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra việc các bè nổi không đủ điều kiện, nhưng vẫn hoạt động và những thiệt hại về người và tài sản do hoạt động bè nổi tại địa phương.
Ngày 2/10/2018, Sở Du Lịch Khánh Hòa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành không tổ chức đưa khách du lịch đến ăn uống, sử dụng các dịch vụ tại các bè nổi kinh doanh nhà hàng trên vịnh Nha Trang không đủ điều kiện hoạt động nhằm phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn cho du khách và hoàn toàn chịu trách nhiệm về Chương trình tour trên vịnh Nha Trang.
Chủ trương dừng hoạt động các nhà hàng bè nổi không bảo đảm điều kiện hoạt động được tỉnh Khánh Hòa thực hiện cuối tháng 7/2016, sau sự cố lật nhà hàng nổi tự chế trên vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận ngày 23/7/2016 khiến 2 người chết.