Thị trường đồ chơi trẻ em mùa Trung thu năm nay, xu hướng lựa chọn hàng Việt của người tiêu dùng ngày càng tăng. Dịp này, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi trẻ em và phát hiện một số vi phạm.
Lồng đèn Việt chiếm ưu thế
Qua khảo sát tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên đường Nguyễn Trãi, Thống Nhất, 2-4… và các nhà sách trên địa bàn TP. Nha Trang cho thấy, nhìn chung, thị trường lồng đèn năm nay đã có sự chuyển biến khá rõ nét giữa hàng nội và hàng Trung Quốc. Các loại lồng đèn làm bằng giấy, tre, gỗ đã dần thay thế cho loại đèn nhựa sặc sỡ, gắn nhạc của Trung Quốc. Bên cạnh các loại lồng đèn in hình nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích như: Doraemon, siêu nhân, công chúa Elsa, mèo Kitty…, còn có một số loại lồng đèn thiết kế theo các tích truyện cổ tích Việt Nam như: Sự tích hồ Gươm, Cóc kiện trời, Ăn khế trả vàng, Sơn Tinh Thủy Tinh… Các loại lồng đèn này có giá từ 25.000 đồng đến gần 50.000 đồng/cái.
Để chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay, Trung tâm Sách Thống Nhất nhập về gần chục mẫu lồng đèn với số lượng 100 cái/mẫu. Ông Nguyễn Trọng Dương - Cửa hàng trưởng Trung tâm Sách Thống Nhất cho biết, 100% đèn lồng được bày bán tại cửa hàng là hàng Việt Nam được làm thủ công. Thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chọn hàng Việt Nam ngày càng nhiều, 70% người dân đến cửa hàng chọn mua đồ chơi hàng Việt cho con em. Giá đồ chơi Việt giảm khoảng 500 - 1.000 đồng/sản phẩm so với năm trước. Hiện nay, cửa hàng đang kinh doanh hơn 300 mặt hàng đồ chơi các loại, trong đó hàng Việt Nam chiếm hơn 50%. Các nhà sách như: Phương Nam Nha Trang, Fahasa Nha Trang… cũng bán 100% lồng đèn Việt.
Tuy nhiên, chủ một số cửa hàng đồ chơi trẻ em cho biết, đồ chơi Việt Nam về mẫu mã, độ tinh xảo còn hạn chế, đặc biệt giá vẫn còn cao so với đồ chơi Trung Quốc cùng loại. Muốn cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trẻ em nói chung và mặt hàng phục vụ Tết Trung thu nói riêng, hàng Việt cần cải tiến nhiều hơn về mẫu mã, chất lượng và giá cả.
Đình chỉ lưu thông 11 lô đồ chơi trẻ em
Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế TP. Nha Trang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em đối với 20 nhà sách, cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em. Đoàn tập trung kiểm tra hóa đơn chứng từ nguồn gốc sản phẩm, các loại đồ chơi bạo lực, hàng cấm không được phép kinh doanh, kiểm tra chất lượng và lấy mẫu kiểm nghiệm…
Tại một cửa hàng đồ chơi trên đường Thống Nhất, đoàn kiểm tra đã phát hiện 4 lô hàng, trong đó có khối rubik, bộ đồ chơi bằng nhựa… nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ. Đoàn đã đình chỉ lưu thông số hàng hóa trên, đồng thời yêu cầu đơn vị kinh doanh khắc phục trong 10 ngày (trình hồ sơ, hóa đơn chứng từ, dấu chứng nhận hợp quy đối với mã sản phẩm bị đình chỉ). Sau thời gian trên, nếu đơn vị không khắc phục được, đoàn sẽ xử lý theo quy định.
Ông Trần Thanh Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, hoạt động kiểm tra được triển khai từ giữa tháng 8 đến ngày 15-9. Đến nay, đoàn đã kiểm tra 12 đơn vị. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, nhận thức của người kinh doanh ngày càng được nâng cao, có ý thức kinh doanh các mặt hàng được chứng nhận hợp quy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tỷ lệ hàng hóa ghi nhãn đầy đủ tăng cao, tỷ lệ hàng Việt Nam ngày càng nhiều... Tuy nhiên, đoàn phát hiện một số mặt hàng vi phạm các quy định, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc không có hồ sơ công bố chất lượng, không có dấu chứng nhận hợp quy, không có nhãn phụ tiếng Việt… Đoàn đã đình chỉ lưu thông 11 lô hàng của 4 đơn vị do vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa và yêu cầu các đơn vị khắc phục trước khi ban hành quyết định xử lý theo quy định.
Đoàn kiểm tra khuyến cáo, khi chọn mua đồ chơi trẻ em, người tiêu dùng cần chú ý đến dấu chứng nhận hợp quy CR (chứng nhận sản phẩm đã được kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông). Hàng hóa phải có nhãn với các thông tin tên sản phẩm, đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thông tin thành phần, cảnh báo an toàn, hướng dẫn sử dụng, nguồn điện sử dụng, năm sản xuất… đối với đồ chơi sử dụng điện.
MAI HOÀNG