Những ngày dịch giã, ít đi chợ, tôi đem ít đậu phộng dự trữ từ trước ra dùng, nấu vài món ăn. Lúc đầu, bọn trẻ lạ miệng, tấm tắc khen ngon. Nhưng chỉ được 2 bữa là chán, đòi ăn thịt cá. Chẳng bù cho tôi ngày xưa, có thể ăn các món từ đậu phộng quanh năm...
Tuồi thơ tôi gắn với một vùng quê chuyên trồng đậu phộng. Tôi vẫn nhớ những trưa hè chang chang nắng ngày đó, mỗi khi đi học về, bọn trẻ thường nối đuôi nhau đi trên bờ cỏ, vừa ngắm nhìn những cánh đồng đậu phộng trải dài tít tắp, vừa bàn tán sôi nổi về những món ngon sẽ được ăn khi mùa đậu phộng tới.
Trước Tết, dân làng bắt đầu gieo hạt. Những mầm cây đội đất vươn lên thành những chồi non xanh mởn. Mùa xuân, hoa đậu phộng trắng muốt, nhụy vàng, nhỏ như cái cúc áo, nảy ra từ kẽ lá. Khi hè về, lúc ve kêu inh ỏi, cả cánh đồng đậu phộng nhuộm vàng bởi màu lá úa, báo hiệu đã đến mùa thu hoạch.
Mẹ tôi là giáo viên nên nhà không trồng đậu phộng, nhưng chúng tôi vẫn có chung niềm vui khi cùng mọi người ra đồng nhổ đậu phộng. Mỗi cây bứng lên kèm theo cả bụi những hạt đậu phộng chắc nịch. Tôi và bọn trẻ con thường đi theo sau mót đậu phộng. Gọi là mót chứ thật ra, người nhổ đậu phộng luôn có ý để dành lại rất nhiều củ, nên mỗi ngày tôi đem về cho mẹ cả rổ to. Đó là chưa kể hàng xóm đem biếu. Vì vậy, mùa đậu phộng nào nhà tôi cũng có vài thúng. Đôi khi, mẹ mua thêm một ít để biếu người quen trên phố. Người dân vừa bán vừa cho nên rất rẻ.
Mùa đậu phộng, món chúng tôi được ăn thường xuyên là đậu phộng luộc. Lạc tươi luộc vừa ngọt, vừa béo, bùi. Ngày nào cũng ăn đậu phộng luộc, hết mẹ nấu đến hàng xóm đem qua cho nhưng tôi chưa bao giờ ngán. Đậu phộng tươi nấu xôi cũng rất ngon. Những ngày Chủ nhật, chúng tôi thường được ăn món xôi đậu phộng với muối vừng ngon ơi là ngon.
Mẹ dành phần nhiều đậu phộng phơi khô, rồi cất trong mấy chiếc chum, để dành ăn quanh năm. Vì thế, thức ăn chủ lực trên mâm cơm nhà tôi hồi đó là đậu phộng. Món mẹ thường làm nhất là muối đậu phộng. Chúng tôi chỉ có cơm nguội với muối đậu phộng mà sao vẫn thấy ngon thế. Một món khác mẹ hay làm là đậu phộng rang muối. Đậu phộng rang xong, mẹ pha muối với chút nước rồi rải lên trên, đảo tiếp vài phút nữa là xong. Hoặc mẹ rưới lên ít nước mắm, thêm xíu đường, thế là có món đậu phộng mằn mặn ngòn ngọt rất đưa cơm, nhất là những ngày mưa, rét.
Những ngày Chủ nhật, có thời gian rảnh, mẹ cho chúng tôi đổi món với những món nộm. Mẹ có thể chế biến nộm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau có sẵn trong vườn nhà hoặc xin hàng xóm như đu đủ, dưa chuột, hoa chuối, rau muống... bằng cách pha hỗn hợp các loại gia vị, trộn với các loại rau, thêm ít đậu phộng giã nhỏ, ít hành phi giòn rụm. Dù chẳng có tôm thịt như bây giờ, nhưng với chúng tôi, không gì ngon bằng món bánh tráng xúc nộm những ngày Chủ nhật ấy...
Thi thoảng, mẹ đãi cả nhà món ngọt: thắng đường trên chảo cho keo rồi cho đậu phộng rang đã bóc vỏ vào trộn đều. Đảo thêm vài phút cho đậu quyện với đường rồi để nguội, thế là có món kẹo đậu phộng giòn tan, ngon tuyệt.
Đất rộng nên vườn nhà tôi quanh năm trồng nhiều rau quả. Những món canh mướp, canh bí đỏ, khoai sọ... mẹ nấu với đậu phộng cũng ngon không kém. Ngon nhất vẫn là món canh chua nấu đậu phộng. Đồ nấu chua cũng đa dạng: có thể là mẻ mẹ tự làm hay mua ngoài chợ, khi thì vài quả sấu... Đậu phộng được giã sơ rồi nấu với nước cùng đồ chua cho chín, thêm gia vị, lá lốt, rau răm, rau ngổ... thế là xong nồi canh chua thơm phức. Những trưa hè, khi hì hụp húp những chén canh chua nấu đậu phộng ngày ấy, cái nắng như đổ lửa của miền Trung bỗng dịu đi rất nhiều...
Giao Thủy