Điên điển thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước. Lá điên điển nấu nước để uống, được xem như chất tẩy xổ, làm dịu đau, trục giun sán và kháng sinh, chống viêm sưng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Điên điển thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước. Lá điên điển nấu nước để uống, được xem như chất tẩy xổ, làm dịu đau, trục giun sán và kháng sinh, chống viêm sưng.
Cây điên điển còn gọi là muồng rút, điền thanh bụi, điền thanh hạt tròn, điền thanh đầm lầy, điền thanh lưu niên, điền thanh thân tia, Sesban-River Bean, tên khoa học Sesbania sesban (Jacq) W.Wight, thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Cây bụi cao 1 - 4m, có khi cao hơn, thân tròn bóng, màu xanh có sọc tím, phân nhánh nhiều, mang những lá kép lông chim với 30 - 40 lá chét; rễ cây ăn sâu khoảng 60 - 70cm, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm cộng sinh. Hoa vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8 - 10 hoa to. Quả đậu thẳng, thõng xuống, dài 20 - 30cm, chứa nhiều hạt hình cầu, màu nâu bóng. Khi trái chín, hạt rớt xuống bùn, đất, mùa nước nổi năm sau lại nẩy mầm cho ra cây mới.
Điên điển thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, từ vùng nước lợ đến vùng cao 500m, rải rác từ các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình… đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng Đồng Tháp Mười. Người ta trồng điên điển để lấy phần thân phình to và xốp trắng ngập dưới nước để làm mũ và làm nút chai, lấy thân cây làm củi đốt, cành lá làm phân xanh; lá cây làm thuốc. Các bộ phận dùng làm thực phẩm là: lá, bông và hạt.
Lá điên điển dùng để làm gỏi, luộc ăn như rau, hoặc nấu canh với cá rô, tép bạc.
Hạt dùng làm giá như giá của các loại đậu. Hạt có hàm lượng chất đạm cao (37 %).
Ở Ấn Độ, hạt điên điển được dùng làm một loại thực phẩm cứu đói (hạt điên điển phải ngâm trước 3 ngày, và sau đó nấu sôi 30 phút để loại bỏ hết các thành phần độc hạicaravaninetrước khi nấu ăn).
Người ta phân tích trong 100g lá điên điển (khô) có chứa các chất sau: protid 26,30g; lipid 4,2g; glucid 39,2g; cellulose 14,6g.
Lá điên điển giàu chất saponines; một ít chất tanin và các polyphenol khác.
Như vậy, lá và hạt điên điển là những thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng có giá trị.
Gỗ được dùng làm than. Thân cây sử dụng làm tấm lợp thiên nhiên.
Cây điên điển có khả năng chống chọi với đất axít, lũ lụt định kỳ và ngập úng. Cây điên điển có thể chịu đựng được độ mặn 0,4 - 1% như những hạt giống, và ở mức 0,9 - 1,4% cho những cây trưởng thành. Cây không cần phải xử lý hạt giống trước khi gieo hạt.
Loài vi khuẩn cộng sinh Rhizobium ở một số lớn nốt rể của cây điên điển lâu năm có thể đem lại cho đất đến 600 kgN/ha/năm.
Công dụng trong y học:
Lá điên điển nấu nước để uống, được xem như chất tẩy xổ, làm giảm đau, trục giun sán và kháng sinh, chống viêm sưng.
Kem hay thuốc mỡ bào chế từ lá điên điển dùng để chữa trị ngứa, phát ban ở da.
Thuốc dán bào chế từ lá điên điển thúc đẩy sự nung mủ, làm mủ những nhọt đầu đinh, ung mủ, áp-xe, viêm sưng thấp khớp.
Đễ chữa mụn nhọt, người ta dùng lá điên điển rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp lên chỗ đau giúp bớt sưng và mau lành miệng.
Hạt được coi như chất có tác dụng kích thích, làm dịu đau, se thắt.
Thường dùng chữa trị tiêu chảy, giảm phù nề lá lách, giảm lượng kinh nguyệt ra quá nhiều.
Hạt điên điển dùng 12 - 16g (khô) sắc uống hàng ngày, có thể giúp điều hòa kinh nguyệt.
Tinh dầu hạt điên điển được y học truyền thống Ấn Độ (Ayurveda) ghi nhận có tác dụng diệt khuẩn, giảm đau tim, và giúp hạ đường huyết.
Rễ điên điển được dùng để chữa trị vết cắn của con bò cạp, mụn nhọt, ung mủ, áp-xe.
Nước ép của vỏ điên điển cũng được dùng để chữa bệnh phát ban và ngứa ở da.
Lưu ý: chất saponin trong lá điên điển được cho là có khả năng tiêu diệt tinh trùng và làm tan máu.
Theo đông y, bông, lá của cây điên điển có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, nhuận trường, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp cảm sốt do phong nhiệt, mụn nhọt, táo bón, mất ngủ, ăn uống kém.
Theo kinh nghiệm dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta dùng bông điên điển làm thuốc bổ tim như sau:dùng bông điên điển bỏ cuốn, chưng cánh thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100 - 200g. Ăn liên tục trong nhiều ngày.
Một số món ngon chế biến với bông điên điển, có ích cho sức khỏe
Bông điên điển xào trứng:
Nguyên liệu: bông điên điển 100 - 200g, trứng vịt 2 - 3 cái. Gia vị: nước mắm, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, hành tím băm, rau ngò, hành lá.
Cách làm: bông điên điển nhặt rửa sạch, để ráo; hành lá rửa sạch, xắt nhỏ. Trứng vịt đập vào tô, nêm ít nước mắm, tiêu, bột ngọt, một ít hành lá xắt nhỏ rồi đánh đều, để sẵn.
Cho dầu ăn vào chảo, dầu nóng thì cho hành tím vào phi vừa vàng, trút bông điên điển vào trộn đều, tiếp theo đổ trứng vào, để trứng vàng mặt, rồi lật qua mặt sau, khi trứng vàng đều thì trút ra đĩa, rắc ít tiêu và rau ngò lên trên. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Công dụng: món bông điên điển xào trứng là một món ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, rất có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, táo bón, trẻ em bị mụn nhọt, người bị đái tháo đường.
Bông điên điển muối chua:
Nguyên liệu: bông điên điển (lượng tùy thích), nước vo gạo để lắng lấy nước trong, muối.
Cách làm: bông điên điển rửa sạch, để ráo, cho vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh.
Lấy phần lắng trong của nước vo gạo pha với muối rồi đổ vào hũ cho ngập bông.
Dùng lá chuối hoặc lá môn đã rửa thật sạch, để ráo nước, đậy kín hũ. Khoảng 3 ngày sau bông chua là ăn được. Có thể thêm một số giá đậu xanh hoặc bông súng, vào để làm dưa. Món này thường được dùng ăn ghém với mắm kho lạt hay cá linh kho mía.
Công dụng: dưa bông điên điển ăn giòn, ngon miệng, tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt, lợi tiểu.
Bông điên điển trộn dừa nạo:
Nguyên liệu: bông điên điển 300g, dừa khô 1 trái, mắm hoặc nước tương.
Cách làm: bông điên điển nhặt rửa sạch, để ráo nước. Nạo trái dừa khô, trộn chung với bông cho đều, múc ra đĩa. Chưng mắm hoặc nước tương, khi đang nóng thì trút liền vào dĩa bông điên điển và dừa nạo, trộn đều để ăn.
Công dụng: món bông điên điển trộn dừa nạo này ăn giòn, thơm, bùi, béo, lại nồng đượm hương vị của điên điển, mang màu sắc “hương đồng cỏ nội” rất ngon miệng hấp dẫn.
Món ăn này có tác dụng giải nhiệt, an thần, nhuận trường, có ích cho người thường bị nóng bứt rứt, khó ngủ, táo bón, dễ bị mụn nhọt.
Canh bông điển, cá rô đồng:
Nguyên liệu: bông điên điển 300g, cá rô đồng 200g, cà chua bi 100g, giá đậu xanh 100g, rau thơm (rau ngổ, cần tây, húng quế, ngò gai, hành lá), me 1 vắt (hoặc me xanh 50g), ớt trái, gia vị: nước mắm, muối, tiêu, đường, bột ngọt, dầu ăn.
Cách làm: cá rô chọn con béo, to, đánh sạch vảy, chặt vây, bỏ mang, bỏ ruột, rửa sạch. Đem luộc cá chín, vớt ra gỡ lấy thịt, ướp với nước mắm, muối, tiêu.
Xương cá đem giã nhỏ, lọc lấy nước, nấu chung với nước luộc cá và nước dằm me.
Bông điên điển nhặt bỏ bớt phần cọng, rửa sạch, để ráo. Cà chua bi rửa sạch, cắt làm hai theo chiều dọc. Giá rửa sạch, để ráo. Rau thơm rửa sạch, xắt nhỏ.
Khi nước xương cá sôi thì cho thịt cá vào, đến khi sôi lại thì cho bông điên điển và cà chua, giá đậu vào, đảo đều. Canh sôi lại là được, nêm nước mắm, muối, đường, bột ngọt vừa ăn. Tắt bếp, thêm rau các loại rau thơm vào nồi canh, rắc thêm ít tiêu là được. Ăn với nước mắm tỏi, ớt.
Yêu cầu thành phẩm: cá chín thơm, không nát. Bông điển điển vừa chín, nước canh thơm ngon dễ ăn.
Công dụng: món ăn này có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt, an thần, nhuận trường, có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn uống kém, cao huyết áp, đái tháo đường, trong người thường bị nóng bứt rứt, khó ngủ, táo bón, dễ bị mụn nhọt.
Bánh khọt bông điên điển:
Nguyên liệu: bông điên điển 150g, tôm đất tươi 200g, bột bánh khọt 1 bịch, hành lá 50g, rau sống (xà lách, rau thơm, tía tô, rau quế…), bột nghệ 1/4 muỗng cà phê, muối 1 muỗng cà phê, bột nêm 1/4 muỗng cà phê, đường 1/2 muỗng cà phê, dầu ăn.
Cách làm: bông điên điển tước bỏ bớt phần cọng, rửa sạch, để ráo.
Bột bánh khọt cho vào thau, đổ nước vào (theo tỉ lệ ghi trên bao bì), khuấy đều thêm 1/4 thìa cà phê bột nghệ, 1 thìa cà phê muối và 1/2 thìa cà phê đường, hành lá xắt nhỏ, hòa đều.
Tôm đất bỏ đầu, bóc vỏ, chừa đuôi, ướp với ít bột nêm, tiêu.
Làm nóng khuôn bánh, cho 1 ít dầu vào, đổ bột vào, để tôm và bông điên điển lên trên. Vặn lửa nhỏ cho đến khi vành bánh vàng giòn là được. Ăn bánh khọt cùng với các loại rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.
Cũng có thể làm bánh xèo bông điên điển theo cách trên.
Công dụng: món ăn này có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, an thần, nhuận trường, có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, táo bón.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Tags: Viet Nam,
giao duc,
Báo Khánh Hòa điện tử,
bao Khanh Hoa,
bao Khanh Hoa dien tu,
the gioi,
xa hoi,
van hoa,
kinh te,
khoa hoc,
cong nghe,
vien thong,
the thao,
bong da,
giai tri,
phap luat,
suc khoe,
xe may,
nha dat,
o to,
tong hop tin tuc,
bao moi,
dien dan,
ban doc,
truc tuyen,
vckm,
cms,
vsolutions