Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tiếp tục phải nghỉ việc, bị chấm dứt hợp đồng. Người lao động rất mong Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Người lao động lao đao vì dịch
Hơn 2 tháng nay, anh Vũ Hồng Quang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), nhân viên bộ phận bếp của một khách sạn trên đường Trần Phú phải nghỉ việc không lương vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Anh cho biết, đầu năm 2020, dịch bùng phát, anh phải nghỉ việc nhưng công ty vẫn hỗ trợ 50% lương. Khi dịch bệnh được khống chế, khách sạn hoạt động trở lại nên anh có việc làm. Niềm vui chưa được bao lâu thì dịch bùng phát lần thứ 4 khiến anh lại bị mất việc. Đợt này nghỉ việc, công ty chỉ hỗ trợ đóng bảo hiểm, không hỗ trợ lương vì không có nguồn thu. Được biết, vợ chồng anh Quang làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và đều phải nghỉ việc do dịch bệnh; trong khi 2 con còn nhỏ. Không có thu nhập khiến cuộc sống của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. “Cả 2 vợ chồng đi kiếm việc làm nhưng không nơi nào nhận. Đợt trước nghỉ làm, vợ chồng tôi đã hưởng xong khoản trợ cấp thất nghiệp nên bây giờ không được hưởng nữa”, anh Quang chia sẻ.
Anh Mai Huỳnh Trung Nghĩa (phường Phước Long) cũng bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động vì khách sạn phải ngừng hoạt động do dịch bệnh. Tuy có kinh nghiệm hơn 5 năm làm đầu bếp nhưng anh vẫn gặp khó khăn khi đi tìm việc làm mới. Anh đành mở quán kem nhỏ để lo cho cuộc sống hàng ngày. Anh Nghĩa cho biết: “Trước đây, mỗi tháng lương của tôi được gần 20 triệu đồng, đủ lo cho gia đình. Bây giờ mất việc, không có thu nhập, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để sớm vượt qua khó khăn, chờ dịch bệnh được kiểm soát và sớm có việc làm trở lại”, anh Nghĩa nói.
Năm 2020, gói chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ đã phần nào giúp nhiều đối tượng giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến rất nhiều lao động rơi vào khó khăn do mất việc làm, nhất là lao động ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong khi đó, phần lớn số lao động này trước đó đã hưởng xong khoản trợ cấp thất nghiệp và không nằm trong diện được hỗ trợ từ gói 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ. Giờ đây tiếp tục bị mất việc, thiếu việc làm, họ rất cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Trông chờ chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.700 người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết lao động khi tới trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề. Qua đó, có hơn 600 người tìm được việc làm mới; hỗ trợ học nghề cho 54 người. Phần lớn người lao động thất nghiệp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tiết giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, có hơn 70% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là chính sách rất cần thiết nhằm hỗ trợ người lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Khi nghị quyết được ban hành và được các cấp, bộ, ngành hướng dẫn, địa phương sẽ gấp rút triển khai chính sách đi vào cuộc sống, kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với người lao động và doanh nghiệp…
VĂN GIANG