Thời bao cấp nghèo khó, đồng lương công chức ít ỏi của ba mẹ phải nuôi 5 đứa con nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Đã thế, ba công tác xa, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà vào ngày Chủ nhật. Những bữa cơm ngày ấy thường chỉ có canh rau tập tàng mẹ hái sau nhà hay rau muống luộc hoặc canh rau muống... Món mặn chỉ là đậu phụng rang muối hay củ đậu kho mặn. Khi có ba về, mẹ dậy sớm, xếp hàng mua đậu phụ theo tem phiếu, chiên lên, xốt với cà chua. Thỉnh thoảng, mẹ đổi bữa, cho cả nhà ăn món tép rang mặn đã thấy sang lắm. Vì vậy, phở là món ăn xa xỉ mà những dịp trọng đại lắm, như khi ba mẹ được tăng lương hay có khách mời cả nhà đi ăn phở, chúng tôi mới được thưởng thức. Dư âm của phở thường đọng lại không chỉ trong những cái chép miệng thòm thèm của chúng tôi những ngày sau đó, mà còn là những cái hít hà mỗi khi đi ngang qua hàng phở. Chao ơi, mùi vị của phở sao mà hấp dẫn. Nó thơm ngào ngạt, quyến rũ, kích thích vị giác của những đứa trẻ nhà nghèo ghê gớm.
Những ngày Chủ nhật có ba luôn là những ngày vui vẻ, sôi động nhất. Đó không chỉ là dịp cả nhà đoàn tụ mà còn bởi ba luôn vào bếp nấu ăn, theo lời ba là để mẹ các con nghỉ ngơi. Các món ăn của ba được chế biến thường khác lạ ngày thường nên ai cũng thích. Ngày ấy, cửa hàng lương thực bán bột mì, mì sợi, khoai lang… thay gạo nên ba làm món bánh bao nhân củ đậu hay mì sợi xào củ cải, thêm ít hành phi thơm lừng, ngon bá cháy.
Chủ nhật đó, ba tuyên bố với cả nhà: “Trưa nay nhà mình ăn phở nha!”. Mấy đứa con vỗ tay rần rần. Chỉ mẹ mỉm cười lỏn lẻn. Trưa, chúng tôi háo hức chờ ba dẫn đi nhưng ba bình thản: “Mình ăn phở nhà nấu!”. Không sao, ở nhà hay ra tiệm, cứ phở là được. Ba nói chị cả và tôi dẫn mấy đứa em đi chơi, chút về đói bụng, ăn sẽ ngon hơn.
Quả thật, khi vừa bước vào cửa, mùi thơm ngào ngạt của phở bay khắp không gian, khiến đứa nào cũng hít lấy hít để. Ngồi vào bàn, ba đặt trước mặt mỗi người một tô “phở” với nước dùng thơm ngát, có hành lá xanh xanh xắt nhỏ trên bề mặt, hết sức hấp dẫn. Cả bọn háo hức cầm đũa, trộn lên… Ơ! Gì thế này? Không phải là bánh phở gạo như ở tiệm, mà là khoai lang luộc xắt thành lát mỏng. Còn giá, ba thay bằng rau muống luộc. Cũng chẳng có thịt bò hay thịt heo mà chỉ là mấy miếng đậu phụ chiên thái chỉ… Có bất ngờ, thất vọng chút xíu, nhưng vì bụng ai cũng đang réo ùng ục, với lại mùi nước phở (ba nói là dùng hành củ và gừng nướng chế biến) thơm quá nên vèo một cái, tô đứa nào cũng cạn trơ đáy.
Ba nhìn mấy đứa con xì xụp gắp, múc, húp… “phở” bằng đôi mắt chan chứa yêu thương: “Sao! Phở của ba ngon không?”. Mấy đứa con đồng thanh: “Ngon lắm! Ngon lắm ạ!”.
Quả thật, đến tận bây giờ, có dịp ngồi với nhau để nhắc lại, chúng tôi vẫn thấy món phở của ba ngày ấy ngon tuyệt, bởi trong đó chứa đựng biết bao nhiêu tình yêu của ba!
Trần Thị Giao Thủy