Với ưu điểm vượt trội và mang tính ứng dụng cao, đề tài “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy cuốn rơm phù hợp với điều kiện tỉnh Khánh Hòa” do Thạc sĩ Huỳnh Hữu Thái Lâm - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng KH-CN tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao.
Cải tiến máy phù hợp với đồng ruộng địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, trên địa bàn tỉnh, diện tích trồng lúa khoảng 43.400ha, sản lượng đạt hơn 260.000 tấn, tương ứng hơn 300.000 tấn rơm/năm. Với nhu cầu sử dụng rơm, rạ làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân vi sinh, làm nấm… ngày càng tăng, mỗi năm số tiền thu được từ bán rơm khoảng 300 tỷ đồng. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, ông Trần Đức Mạnh (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) đã chế tạo thành công máy cuốn rơm trên nền tảng cải tiến máy gặt đập liên hợp đã qua sử dụng. Máy hoạt động 1 ngày (8 giờ) tốn khoảng 12 lít dầu, thu được 500 bánh rơm, khối lượng 17 - 18kg, năng suất 50 cuộn/giờ.
Tuy nhiên, do được tận dụng từ những vật dụng, phế liệu có sẵn… nên tính đồng bộ và tuổi thọ sử dụng máy thấp… Từ những hạn chế trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Khánh Hòa đã phối hợp với ông Mạnh thực hiện đề tài “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy cuốn rơm phù hợp với điều kiện tại Khánh Hòa”. Sau hơn 1 năm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện thiết kế và chế tạo thành công 1 máy cuốn rơm (có tên MCR-KH01) phù hợp với điều kiện Khánh Hòa, khắc phục được các hạn chế so với máy cũ, bổ sung thêm bộ phận cắt thân rạ. Kết quả thử nghiệm cho thấy, bộ phận cắt được sát gốc rạ, tăng khối lượng cuộn rơm, rạ lên 10% so với cuộn rơm thông thường. Đối với bộ phận thu gom, nhóm nghiên cứu đã vận dụng cơ cấu trục xoắn tải lúa của máy gặt đập liên hợp và có sự điều chỉnh một số chi tiết nhằm phù hợp với tính chất thu gom thân rạ…
Sau khi máy hoàn chỉnh, từ tháng 4-2018 đến 4-2019, ông Trần Đức Mạnh đã vận hành máy thu gom 3 vụ với 170ha rơm, rạ trên đồng ruộng. Thông qua thử nghiệm thực tế cho thấy, máy vận hành ổn định, đạt các yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, người điều khiển có thể điều chỉnh máy để đạt các tốc độ thu rơm khác nhau với khối lượng cuộn rơm khác nhau phù hợp với yêu cầu thực tế. Với tốc độ từ 5,4 đến 5,6km/giờ, hiệu suất tiêu hao nhiên liệu của máy gần 2 lít dầu/giờ, đạt năng suất thu gom 75 cuộn/giờ, loại 20kg/cuộn, rơ-moóc lai theo cụm máy chính chứa được khoảng 30 cuộn rơm. Ngoài ra, máy còn có thể thực hiện cắt và thu gom rạ với chiều dài hàm cắt 120cm, được thiết kế cắt sát gốc, sát bờ, giúp người dân tận thu rạ, tăng sản lượng thu gom. Ông Mạnh cho biết: “So với máy cũ của tôi, máy mới được cải tiến phù hợp hơn rất nhiều và đã hoàn toàn khắc phục được các hạn chế. Trong quá trình chạy thử nghiệm, tôi thấy máy hoạt động rất ổn định, phù hợp với đồng ruộng địa phương ”.
Giảm thời gian thu hoạch rơm rạ
So sánh với máy đối chứng của một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Ninh Thuận (có tên MCR-ĐC, hiện đang ký hợp đồng thu gom rơm, rạ tại Diên Khánh), máy MCR-KH01 có suất tiêu hao nhiên liệu ít hơn 1,2 lần do máy có thiết kế phù hợp hơn với điều kiện đồng ruộng tại Khánh Hòa, tổng giá thành máy 250 triệu đồng, thấp hơn 100 triệu đồng so với máy MCR-ĐC. |
Kết quả đề tài cho thấy, máy cuốn rơm MCR-KH01 đã thể hiện được tiện ích và ưu điểm vượt trội, góp phần giảm thời gian thu hoạch rơm rạ, đáp ứng lịch thời vụ cho người dân. Đồng thời, người dân tận thu được rơm, rạ, có thêm thu nhập. Do máy cuốn rơm MCR-KH01 dựa trên quá trình phối hợp giữa ông Mạnh với trung tâm, trong đó ông Mạnh đã đối ứng 1 máy cuốn rơm hiện có trị giá 153 triệu đồng, vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị Sở KH-CN xem xét giao máy cuốn rơm MCR-KH01 cho ông Mạnh sử dụng thực hiện mục đích trình diễn kết quả đề tài vào thực tế tại địa phương.
Tại buổi nghiệm thu, ông Đỗ Văn Hải - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trước đây, người dân thu gom rơm, rạ thủ công nên hiệu quả không cao, mất nhiều thời gian, phần nào ảnh hưởng đến lịch thời vụ. Việc trung tâm phối hợp với ông Mạnh nghiên cứu thành công máy MCR-KH01 sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân. Với kết quả của đề tài, tôi mong máy cuốn rơm, rạ MCR-KH01 được tiến hành sản xuất thương mại hóa để phục vụ đời sống”.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng KH-CN tỉnh cho biết Sở KH-CN sẽ xem xét kiến nghị tỉnh giao sản phẩm về đơn vị thực hiện đề tài tiếp tục cho nghiên cứu cải tiến máy hoàn thiện hơn nữa để đưa vào sản xuất thương mại hóa, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân.
KHÁNH HÀ