Cẩn trọng khi sử dụng thuốc co mạch làm giảm nghẹt mũi

Thứ tư - 11/01/2023 06:52
Thuốc co mạch là thuốc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng loại thuốc này một cách liên tục có thể dẫn tới viêm mũi, mô sẹo trong niêm mạc mũi.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cẩn trọng khi sử dụng thuốc co mạch làm giảm nghẹt mũi
Thuốc co mạch là thuốc làm giảm triệu chứng nghẹt mũi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng loại thuốc này một cách liên tục có thể dẫn tới viêm mũi, mô sẹo trong niêm mạc mũi.

 

 

Thuốc co mạch mũi là thuốc thông mũi được dùng để điều trị các chứng nghẹt mũi (nghẹt mũi, chảy nước mũi,…). Tắc nghẽn thường do cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dị ứng. Sự tắc nghẽn xảy ra khi các mạch máu lót mũi trở nên to ra. Do đó, hầu hết các loại thuốc thông mũi đều gây co mạch (làm cho các mạch máu co lại).
 
Thuốc co mạch mũi được chia làm 2 nhóm chính:
 
- Nhóm tương tự vasopressin (vasopressin, desmopressin, terlipressin...)
 
- Nhóm chủ vận alpha-adrenergic (Epinephrine, norepinephrine, phenylephrine...).
 
1. Lạm dụng thuốc co mạch làm giảm nghẹt mũi nguy hại như thế nào?
 
Thuốc co mạch làm giảm nghẹt mũi không có tác dụng chữa bệnh, chỉ giúp làm giảm triệu chứng của bệnh nên chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, không nên dùng thuốc co mạch quá 7 ngày.
 
Nếu lạm dụng thuốc co mạch mũi, người bệnh có thể gặp phải những nguy cơ như:
 
- Gây nhờn thuốc không có tác dụng, thậm chí gây phản tác dụng, gây ngạt mũi trở lại hoặc viêm niêm mạc mũi mãn tính, cản trở quá trình điều trị.
 
- Thuốc co mạch có thể ngấm vào máu qua niêm mạc mũi gây tác dụng toàn thân nên cần dùng đúng liều lượng.
 
- Nếu dùng thuốc co mạch liên tục trong thời gian dài có thể gây sung huyết mũi nặng hơn, đường thở hẹp hơn nên làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn, buộc bạn phải dùng với liều cao mới có tác dụng.
 
- Loại thuốc này có thể gây viêm mũi hoặc mô sẹo trong niêm mạc mũi khi dùng trong thời gian dài.
 
Vì tiềm ẩn những nguy hại sức khoẻ nên mọi người cần cẩn trọng khi dùng thuốc. Không tự ý mua và sử dụng, cần tham khảo và dùng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, nhất là đối với trẻ em.

 

Dùng thuốc co mạch liên tục trong thời gian dài có thể gây sung huyết mũi nặng hơn (Ảnh: Internet)
Dùng thuốc co mạch liên tục trong thời gian dài có thể gây sung huyết mũi nặng hơn (Ảnh: Internet)

 

2. Những lưu ý khi dùng thuốc co mạch giảm nghẹt mũi
 
Dùng thuốc co mạch mũi đúng cách sẽ không gây hại cho sức khỏe. Do đó, khi sử dụng loại thuốc này, mọi người nên lưu ý:
 
- Không nên dùng thuốc quá 7 ngày. Nếu sau 4 đến 5 ngày dùng thuốc mà triệu chứng không thuyên giảm, các bạn nên đến bệnh viện tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh để điều trị đúng cách.
 
- Không dùng thuốc co mạch cho những trường hợp mắc bệnh u xơ tiền liệt tuyến, cao huyết áp, đái tháo đường, … vì loại thuốc này có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, run và mất ngủ.
 
- Hạn chế dùng thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi. Nếu dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo đúng liều lượng, loại thuốc, lứa tuổi, tình trạng bệnh.
 
Một số loại thuốc co mạch theo nhóm tuổi mà bác sĩ có thể kê như:
 
- Trẻ sơ sinh - dưới 2 tuổi: Dùng adrenalin 0,1% pha loãng với 5ml nước cất, hoặc ephedrin hoặc xylometazolin 0,05% pha loãng, nhỏ mũi cho trẻ ngày 2 - 3 lần.
 
- Trẻ 2 tuổi - dưới 6 tuổi: Có thể sử dụng nhóm thuốc có thành phần là xylometazolin từ 0,05%
 
- Trẻ trên 6 tuổi: Có thể dùng xylometazolin 0,1%, hoặc naphazolin từ 0,025 - 0,1% tùy theo tuổi và tình trạng của bệnh mà bác sĩ quyết định dùng nồng độ nào thích hợp.
 
3. Một số biện pháp khác làm giảm nghẹt mũi
 
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, mọi người có thể sử dụng một số biện pháp tự nhiên để làm giảm tình trạng này như:
 
- Bổ sung nước
 
Duy trì mức độ hydrat hóa tối ưu có thể giúp làm loãng chất nhầy trong mũi, đẩy chất lỏng ra khỏi mũi và giảm áp lực trong xoang, cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
 
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
 
Máy tạo độ ẩm chuyển đổi nước thành hơi ẩm từ từ lấp đầy không khí, làm tăng độ ẩm trong phòng giúp giảm tình trạng nghẹt mũi.
 
Hít thở không khí ẩm này có thể làm dịu các mô bị kích thích và các mạch máu bị sưng trong mũi và xoang của bạn.

 

Máy phun sương bổ sung độ ẩm cho không khí giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi (Ảnh: Internet)
Máy phun sương bổ sung độ ẩm cho không khí giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi (Ảnh: Internet)

 

- Chườm ấm
 
Chườm ấm có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng nghẹt mũi bằng cách mở đường mũi từ bên ngoài.
 
Để thực hiện, các bạn chuẩn bị một miếng gạc ấm, ngâm một chiếc khăn trong nước ấm. Tiếp theo, vắt bớt nước trong khăn rồi gấp lại và đắp lên mũi và trán.
 
- Xông hơi
 
Xông hơi có thể giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả. Các bạn chuẩn bị thau nước nóng, có thể đổ thêm một chút tinh dầu. Sau đó, dùng một chiếc khăn trùm lên đầu và cho mặt gần vào chậu nước (cách khoảng 15 đến 20cm với chậu nước) để nước bốc hơi lên. Hơi nước sẽ giúp làm mũi được thông thoáng và cảm thấy dễ chịu.
 
Ngoài ra, các bạn có thể tắm với nước ấm để làm giảm tình trạng nghẹt mũi, nhưng biện pháp này chỉ mang tính tạm thời.
 
- Uống trà gừng
 
Trà gừng có tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm như nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi, …
 
Các bạn có thể rửa sạch và giã nát gừng, sau đó pha với nước nóng và cho thêm một muỗng mật ong là có thể thưởng thức.
 
Có thể nói rằng, nghẹt mũi là triệu chứng của một số bệnh viêm đường hô hấp. Mặc dù không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 
 
Để làm giảm tình trạng này, nhiều người thường dùng thuốc co mạch máu, nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ và nguy hại cho sức khoẻ. Vì vậy, điều cần thiết là dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
 
Theo Phụ nữ Việt Nam
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp