Từ một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng gần một năm nay, cháu Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 2012), học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Vĩnh Hòa 2 (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) đang phải chống chọi với hội chứng thận hư và rối loạn đông máu khiến cho gia đình cháu Đạt lâm vào cảnh khốn đốn.
Vào những ngày cuối thu, bất chợt trời đổ mưa làm cho con đường nhỏ dẫn đến nhà của gia đình cháu Đạt càng khó đi. Trong căn nhà thuê chật chội chừng hơn 20m2 tại địa chỉ 60 Nguyễn Chích, mẹ của cháu Đạt là chị Nguyễn Thị Kim Thanh (sinh năm 1979) đang lúi húi nấu cháo cho bữa trưa của 2 mẹ con bằng nồi cơm điện cũ. Cháu Đạt nằm trên chiếc giường gỗ xập xệ vẻ mệt mỏi, tay lúc nào cũng phải cầm khăn ướt để lau 2 bên má đỏ lừ, nóng rát. Chị Thanh buồn bã cho biết, cuối tháng 11 năm ngoái, khi đón con đi học về, chị phát hiện phần mắt và mặt của Đạt bị sưng húp, phù nề nên vội đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu Đạt bị bệnh hội chứng thận hư kèm theo rối loạn đông máu, viêm dạ dày, gan nhiễm mỡ cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng thêm nhiều loại bệnh lý nguy hiểm khác. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, cháu Đạt phải nhập viện 3 lần chưa kể mẹ con còn khăn gói vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc chữa trị cho cháu Đạt bị gián đoạn và đành phải tự điều trị tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ…
Tuy cháu Đạt có bảo hiểm y tế nhưng hoàn cảnh gia đình chị Thanh rất khó khăn, nhà cửa không có phải đi thuê mướn lay lắt, tài sản chỉ vỏn vẹn mấy vật dụng cũ kỹ. Chồng chị Thanh làm nghề thợ hồ, thu nhập bấp bênh nhưng gia đình không mấy ấm êm cho đến khi cháu Đạt được 6 tuổi, người chồng bỏ đi nơi khác lập nghiệp và có gia đình mới để lại gánh nặng cho chị Thanh nuôi 2 đứa con còn nhỏ dại. Bản thân chị Thanh làm nghề buôn bán trái cây ở chợ Ba Làng, thu nhập mỗi ngày khoảng 200 ngàn đồng, cũng chỉ đủ trang trải chi phí thuê nhà, điện, nước, nuôi 2 con ăn học. Hai bên nội, ngoại chỉ giúp được phần nào cho cháu Đạt chữa bệnh, trong khi việc chữa trị cho Đạt còn kéo dài nên cuộc sống của mẹ con chị Thanh đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Tuy nghèo nhưng chị Thanh vẫn cố chạy vạy khắp nơi để cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Con trai đầu của chị Thanh là cháu Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 2002) hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Thương mẹ vừa vất vả buôn bán ngoài chợ vừa chăm sóc em trai bị bệnh hiểm nghèo, ngoài giờ học trên trường Phát còn tranh thủ thời gian rảnh đi làm gia sư, bồi bàn ở quán ăn để phụ mẹ trả tiền ăn, ở ký túc xá. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội từ nhiều tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc đi làm thêm của Phát bị ngưng trệ… Đã thế, dịch giã cũng khiến cho việc buôn bán ở chợ của chị Thanh phải tạm dừng gần 3 tháng nay dẫn đến không có tiền trang trải và trả nợ hàng tháng. Số tiền vay ngân hàng 26 triệu đồng từ 3 năm trước đến nay đã quá hạn trả nợ mà chị Thanh vẫn chưa trả hết. Khốn khó trăm bề không còn biết bấu víu vào đâu khiến người mẹ hơn 40 tuổi trở nên tiều tụy, tóc gần như bạc trắng. Biết được gia đình chị Thanh đang lâm vào cảnh túng quẫn lại chăm con nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, một số mạnh thường quân đã quyên góp hơn 10 triệu đồng cho gia đình. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã chi trả hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho chị Thanh thuộc đối tượng lao động tự do gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Tuy chị Thanh đã tằn tiện chi tiêu từ số tiền được ủng hộ trong thời gian giãn cách xã hội để mua thuốc thang cho cháu Đạt chữa bệnh, đóng tiền ăn, ở ký túc xá cho cháu Phát, chưa kể trả tiền thuê nhà, điện, nước… nhưng số tiền cũng cạn dần. Mẹ con chị Thanh lo lắng cho cuộc sống sắp tới khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp chưa thể buôn bán được mà bệnh tình của cháu Đạt nặng hơn, nguy cơ cháu bị mắc thêm bệnh đái tháo đường.
Hiện tại, toàn thân cháu Đạt bị phù nề, ứ nước gây tăng cân nhanh, rạn da, đau nhức, ăn uống kém. Giờ đây, chị Thanh rất mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ cho cháu Đạt có điều kiện để chữa căn bệnh hiểm nghèo cũng như tiếp sức cho cháu tiếp tục được cắp sách đến trường như các bạn đồng trang lứa. _______________________________________________
|
B.K.H