Sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành đề án khung về quản lý, khai thác hạ tầng chợ với phương thức “Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ”, các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai xây dựng đề án cho từng chợ trên địa bàn. Theo đề án khung, các địa phương phải đánh giá được hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện nay.
Rà soát các chợ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang đề nghị các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê lại tài sản, hạ tầng của tất cả các chợ trên địa bàn. Theo ông Lê Công Bảo - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, toàn huyện có 22 chợ lớn nhỏ, trong đó có 5 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Hiện nay, một số chợ có rất ít tiểu thương buôn bán, hiệu quả hoạt động không cao; có chợ đã xây dựng từ rất lâu, tài sản hư hỏng, xuống cấp nên gặp khó khăn khi đưa ra đấu giá. Vì vậy, huyện sẽ dựa trên thống kê tài sản, tình hình hoạt động của từng chợ để chọn lựa và tiến hành xây dựng đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo hình thức đấu giá cho một số chợ có hoạt động hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương thống kê tài sản, hoạt động kinh doanh chợ và báo cáo về huyện trước ngày 15-9 để huyện thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, dự kiến trong tháng 9, thành phố sẽ hoàn thành đề án quản lý, khai thác hạ tầng cho các chợ trên địa bàn. Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát và cung cấp thông tin về hiện trạng hạ tầng, tình hình hoạt động của chợ để Phòng Kinh tế có cơ sở lập đề án. Trước khi trình HĐND thành phố, phòng sẽ lấy ý kiến góp ý từ các ban, ngành và tiểu thương, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong quản lý, khai thác chợ. Được biết, TP. Cam Ranh hiện có 21 chợ lớn nhỏ, trong đó có 3 chợ đã chuyển đổi cho tư nhân quản lý, khai thác.
Cần đánh giá cụ thể
20 chợ trên địa bàn tỉnh đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân gồm: Chợ Vĩnh Phương, Vĩnh Thọ, Vĩnh Ngọc, Hòn Rớ (TP. Nha Trang); chợ Ba Ngòi, Mỹ Ca, Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh); chợ Dinh, Dục Mỹ (thị xã Ninh Hòa); chợ Thành, Gò Đình, Diên An, Diên Phước, Diên Thạnh, Diên Phú (huyện Diên Khánh); chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh); chợ Suối Tân, Tân Xương (huyện Cam Lâm); chợ thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) và chợ Tô Hạp (huyện Khánh Sơn). |
Theo đề án khung về quản lý, khai thác hạ tầng chợ UBND tỉnh ban hành, các địa phương sẽ đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong thời gian qua như: Quy mô chợ (hạng chợ, số lô sạp, kiốt); việc sắp xếp lô sạp kinh doanh; diện tích đất chợ và các hạng mục trên đất; thực trạng công tác quản lý chợ; tình hình thu chi tài chính của chợ… Trong đề xuất phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ, các địa phương phải làm rõ danh mục tài sản khai thác, phương thức (cho thuê quyền khai thác tài sản theo hình thức đấu giá); đối tượng đấu giá; thời hạn và các khoản thuế, phí phải nộp cho ngân sách nhà nước. Phương án cũng cần phải quan tâm đến công tác đầu tư, sửa chữa chợ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; phòng cháy chữa cháy; an ninh trật tự và mỹ quan tại chợ…
Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Xây dựng đề án về quản lý, khai thác hạ tầng cho từng chợ là một cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý chợ hiện nay khi các văn bản quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực này không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây sẽ là cơ sở để thực hiện việc đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong khi chờ các quy định mới từ Bộ Công Thương và Chính phủ. Trên thực tế, toàn tỉnh có 20/126 chợ đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác thu ngân sách, đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động quản lý chợ. Do đó, trong xây dựng đề án, các địa phương cần đánh giá được hiệu quả của phương thức khai thác hạ tầng chợ như: Nguồn thu, việc góp phần tái đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng chợ để tăng tính thuyết phục của đề án.
Mai Hoàng