Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Xã Suối Tân: Nhiều hạn chế trong quản lý chợ

Chủ nhật - 31/03/2019 15:14
Tiểu thương ngành hàng cá chợ Suối Tân (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng, giá thuê lô sạp cao, còn chính quyền địa phương cho biết đã làm theo đúng quy định, quy hoạch và nghị quyết của HĐND xã. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, công tác quản lý chợ Suối Tân bộc lộ nhiều hạn chế, lỏng lẻo. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Xã Suối Tân: Nhiều hạn chế trong quản lý chợ

Tiểu thương ngành hàng cá chợ Suối Tân (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng, giá thuê lô sạp cao, còn chính quyền địa phương cho biết đã làm theo đúng quy định, quy hoạch và nghị quyết của HĐND xã. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, công tác quản lý chợ Suối Tân bộc lộ nhiều hạn chế, lỏng lẻo.


Tiểu thương bức xúc


Các tiểu thương ngành hàng cá chợ Suối Tân vừa có đơn gửi Báo Khánh Hòa phản ánh một số vấn đề liên quan đến giá thuê lô sạp và việc 6 lô sạp bị tịch thu. Theo nội dung đơn, ông Lê Văn Chín cho biết, cách đây hơn 10 năm, các hộ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Suối Tân cũ được chuyển vào chợ mới với hợp đồng đấu giá 5 triệu đồng/5 năm/lô rộng 4m2. Sau 5 năm, hợp đồng được gia hạn lần 2 với giá 7 triệu đồng. Đầu năm 2019, xã thông báo cho các hộ tiểu thương thực hiện ký hợp đồng mới với giá 12 triệu đồng. Các tiểu thương ngành hàng cá cho biết, mức giá mới quá cao, trong khi chợ buôn bán ế ẩm (ngoại trừ ngày thứ Bảy, Chủ nhật có sức mua khá hơn ngày thường). Ngoài ra, các hộ buôn bán cũng bức xúc vì tiền hợp đồng ngày càng cao nhưng chợ xuống cấp không được sửa chữa.

 

Khu hàng cá chợ Suối Tân ngồi buôn bán lộn xộn vì các ngành hàng khác nhau ngồi xen lẫn.

Khu hàng cá chợ Suối Tân ngồi buôn bán lộn xộn vì các ngành hàng khác nhau ngồi xen lẫn.


Hàng cá chợ Suối Tân có 20 hộ buôn bán. Tuy nhiên, thời gian qua, có 8 lô sạp đã chuyển sang buôn bán mặt khác khác như: thịt heo, thịt bò… Vì vậy, vừa qua, khi hợp đồng cũ hết thời hạn, UBND xã đã thông báo tịch thu 8 lô sạp này để đưa ra đấu thầu cho các hộ có nhu cầu buôn bán ngành hàng cá. Các hộ này đã làm bản cam kết sẽ chuyển về buôn bán lại mặt hàng cá nhưng chính quyền địa phương không chấp nhận và quyết định tịch thu lô sạp. Bà Trần Thị Thanh Bốn - tiểu thương bị tịch thu lô hàng cá chia sẻ: “Ngay từ đầu, việc sắp xếp lô sạp ở chợ này đã rất lộn xộn, không theo quy củ. Khi buôn bán mặt hàng cá ế ẩm, chúng tôi mới phải chuyển sang mặt hàng khác để có thể nuôi sống gia đình. Khi có thông báo bị thu hồi lô sạp do buôn bán mặt hàng khác, chúng tôi đã quay lại bán cá và cam kết với xã. Thế nhưng, chính quyền địa phương không lắng nghe nguyện vọng của dân. Chúng tôi đã gắn bó với chợ hơn 15 năm nay, bỏ tiền cùng Nhà nước xây dựng chợ, bây giờ nói tịch thu, ai mà không bức xúc”.


Nhiều hạn chế


Chợ Suối Tân hiện nay có hơn 200 hộ tiểu thương buôn bán. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các hộ ngồi buôn bán rất lộn xộn. Khu hàng cá nhưng cũng có người bán rau, bán thịt heo ngồi bán xen kẽ và ngược lại. Chợ có nhà giữ xe được đầu tư hàng trăm triệu đồng ngay cổng chợ. Tuy nhiên, nhà giữ xe lại để hoang. Trong khi đó, chợ cho một cá nhân tổ chức giữ xe ngay tại đường gom bên hông chợ, người dân chạy xe thẳng vào chợ mà không có ai quản lý, nhắc nhở. Ngay cổng chợ tồn tại một bãi rác đã khá lâu, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.


Theo ông Lê Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân, vừa qua, chợ được xây dựng mới 2 khu nhà để sắp xếp, quy hoạch lại các lô sạp trong chợ theo hướng từng ngành hàng riêng biệt. Khi hợp đồng cũ hết thời hạn vào cuối năm 2017, xã rà soát lại các hộ buôn bán trong chợ để thực hiện việc sắp xếp; đồng thời thông báo cho các hộ đã hết thời hạn hợp đồng ký hợp đồng mới. Riêng ngành hàng cá, tùy từng vị trí, hợp đồng có giá khác nhau nhưng trung bình mỗi lô có giá 2 triệu đồng/năm/lô, tăng 20% so với giá hợp đồng cũ. Tuy nhiên, khi các tiểu thương ngành hàng cá phản ứng, cho rằng giá mới quá cao, các ban, ngành của xã đã họp, xem xét và quyết định giảm xuống còn 1,6 triệu đồng/năm/lô. Đối với 8 lô hàng cá bị tịch thu, đại diện UBND xã cho biết đây là những hộ buôn bán sai mặt hàng đã ký trong hợp đồng. Bên cạnh đó, trong các hộ này có 2 hộ nợ tiền hợp đồng 5 năm không đóng; có 3 hộ không trực tiếp buôn bán mà cho người khác thuê lại lô sạp với giá cao hơn. Mặc dù các hộ đã có đơn cam kết bán lại mặt hàng cũ nhưng để đảm bảo quy hoạch chợ, xã vẫn quyết định thu hồi. Hướng xử lý của xã đối với các lô tịch thu này là cho đấu thầu công khai để người dân có nhu cầu buôn bán mặt hàng gì thì đấu giá ở khu vực bán mặt hàng đó.


Với những hạn chế của chợ hiện tại, ông Lê Văn Tự thừa nhận, trong thời gian qua, công tác quản lý chợ còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là do ngay từ đầu chợ đã bố trí các lô sạp không hợp lý nên tiểu thương tự ý bỏ vị trí và chọn nơi thuận lợi để bán. Do đó, hiện nay, xã đang quy hoạch, sắp xếp lại các ngành hàng trong chợ; đồng thời tiến hành sửa chữa mái nhà khu vực hàng cá trong năm nay để người dân thuận lợi buôn bán. Năm 2017, chợ cũng đã được chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Tuy nhiên, do việc sắp xếp lô sạp trong chợ chưa hợp lý nên tư nhân chỉ dừng lại ở việc thu tiền chỗ, tiền rác… Sắp tới, sau khi sắp xếp, quy hoạch lại chợ, xã sẽ giao lại cho tư nhân quản lý.


Thiết nghĩ, việc sắp xếp, quy hoạch lại chợ là điều cần thiết để xây dựng chợ nông thôn văn minh, thuận tiện cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, chính quyền địa phương và tiểu thương cần có sự trao đổi thông tin, lắng nghe nguyện vọng của người dân để đưa ra phương án hợp tình hợp lý.


MAI HOÀNG

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp