Xã Suối Tân: Mong được chuyển đổi mục đích sử dụng vùng đất nghi ô nhiễm

Thứ hai - 07/09/2020 11:56
Theo ông Nguyễn Văn Thành (thôn Đồng Cau, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), việc sản xuất lúa trên cánh đồng Đồng Đất Lớn hiện nay không còn hiệu quả. Lúa phát triển xanh tốt nhưng không tạo được hạt, nếu có hạt thì chất lượng gạo kém, cơm nấu bị nhão, nhớt.  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Xã Suối Tân: Mong được chuyển đổi mục đích sử dụng vùng đất nghi ô nhiễm

Khó chuyển đổi


Theo ông Nguyễn Văn Thành (thôn Đồng Cau, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), việc sản xuất lúa trên cánh đồng Đồng Đất Lớn hiện nay không còn hiệu quả. Lúa phát triển xanh tốt nhưng không tạo được hạt, nếu có hạt thì chất lượng gạo kém, cơm nấu bị nhão, nhớt. Nhiều người chuyển sang trồng cỏ nhưng hiệu quả cũng không cao, bò ăn bị tiêu chảy. Ông lên liếp, thau phèn, chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng lúa sang xoài và dừa song đều thất bại. Cụ thể, 150 cây xoài đều chết không phát triển được; gần 200 cây dừa xanh tốt nhưng bị bọ cánh cứng phá hoại, chỉ còn 30 cây. Ông Thành nhận định, khu vực này rất khó phát triển nông nghiệp bởi đất bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp thẩm thấu từ nhiều năm trước. Nên chăng, Nhà nước nghiên cứu chuyển đổi thành đất ở. Bởi, Suối Tân đang định hướng đô thị loại V, khu vực này tuy là vùng trũng nhưng cốt nền khá cao.

 

Tuyến mương thủy lợi trong khu vực.

Tuyến mương thủy lợi trong khu vực.


Ông Đặng Xuân Hoàng - Trưởng thôn Đồng Cau cho biết, khu Đồng Đất Lớn (hơn 10ha) diện tích trồng cỏ đã chiếm gần hết do nông dân không biết trồng cây gì cho phù hợp. Nếu tỉnh giúp dân chuyển đổi thì đi kèm các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là chuyển đổi vườn cây ăn quả lâu năm.


Tiếp cận khu vực này, chúng tôi thấy bốn bề là cỏ. Xa xa, một số ruộng chuyển sang trồng dừa. Cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam là tuyến mương đất của hợp tác xã cũ, cũng là hạ lưu của tuyến kênh thoát nước thải từ Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu chưa được kiên cố. Đây là lý do người dân cho rằng nước thải thẩm thấu vào đất gây ô nhiễm.


Kiến nghị giải pháp chuyển đổi

 

Ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường: Việc xác định nước thải KCN có gây ô nhiễm hay không phải điều tra lấy mẫu phân tích. Muốn vậy, xã Suối Tân cần có văn bản kiến nghị tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường. Nước thải thông thường chứa nhiều nitơ và phốt pho nên làm lúa tốt, không kết được hạt vì bội dưỡng, không phải ô nhiễm do kim loại nặng hay các yếu tố độc hại khác.

Theo lãnh đạo xã Suối Tân, KCN Suối Dầu đi vào hoạt động những năm 2002 - 2003, sau đó có tình trạng người dân khiếu kiện KCN xả thải khiến lúa không kết hạt, chất lượng gạo kém. KCN đồng ý hỗ trợ và đề nghị người dân chuyển đổi cây trồng. Ông Nguyễn Ngọc Khuê - Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết, không chỉ khu vực Đồng Đất Lớn mà cả những khu vực khác trên địa bàn xã như: Bàu Cỏ (thôn Dầu Sơn), Cầu Lò than (thôn Cây Xoài) cũng có khả năng bị ô nhiễm. Tổng diện tích lúa nghi bị ô nhiễm lên đến 50ha. Địa phương đề nghị KCN kiên cố lại tuyến mương đất thủy lợi bằng bê tông để tránh nước thải thẩm thấu vào lòng đất, gây ô nhiễm cho ruộng lúa và các vùng sản xuất nông nghiệp khác.


Tuy nhiên, ông Trần Đình Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho rằng, hiện nay, đơn vị thực hiện rất tốt các giải pháp bảo vệ môi trường, giám sát, quan trắc định kỳ, có cơ quan chức năng thẩm định. Nước thải sau khi xử lý đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, nguồn nước thải chảy ra cánh đồng không chỉ của KCN mà còn có nước thải của khu vực dân sinh.


Mới đây, tại buổi làm việc với xã Suối Tân, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tìm giải pháp tháo gỡ cho Suối Tân, giúp người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.


V.L

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp