Hoạt động thừa phát lại tại Khánh Hòa đang gặp nhiều vướng mắc do quy định pháp luật điều chỉnh chế định này chưa hoàn chỉnh, trong khi giai đoạn thí điểm đã hết.
Thành lập khi đã hết thí điểm
Cho đến nay, quy định cụ thể về hoạt động thừa phát lại chỉ có 2 văn bản là Nghị định (NĐ) 61/2009 về tổ chức và hoạt động thừa phát lại thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và NĐ 135/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của NĐ 61, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố thí điểm chế định thừa phát lại (không có Khánh Hòa). Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định triển khai nghị quyết của Quốc hội chấm dứt thí điểm; Bộ Tư pháp tham mưu dự thảo NĐ về lĩnh vực này. Dự thảo NĐ thay thế 2 NĐ này vẫn đang được trình Chính phủ, trong đó có quy định về việc phát triển các văn phòng thừa phát lại (viết tắt là văn phòng).
Trong điều kiện đó, năm 2017, Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thành lập văn phòng thừa phát lại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2018, với 3 văn phòng ở Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa. Như vậy, Khánh Hòa được phê duyệt đề án khi đã hết giai đoạn thí điểm. Nhưng hoạt động thừa phát lại vẫn phải áp dụng 2 NĐ trên vì chưa có văn bản thay thế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 văn phòng hoạt động gồm: Văn phòng Nha Trang (thành lập cuối năm 2017) và Văn phòng Cam Ranh (thành lập đầu năm 2018), với số nhân sự còn khiêm tốn. Văn phòng Nha Trang có 4 thừa phát lại, 8 thư ký nghiệp vụ và 2 thực tập sinh. Văn phòng Cam Ranh ban đầu có 1 thừa phát lại, 2 thư ký nghiệp vụ và 1 kế toán, đến nay 2 nhân viên đã nghỉ việc. Trong khi đó, từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Nha Trang đã tống đạt 6.116 văn bản của 5 tòa án (TAND tỉnh, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa), lập 465 vi bằng. Văn phòng Cam Ranh tống đạt 702 văn bản cho tòa án và lập 74 vi bằng. Tuy vậy, 2 nhiệm vụ còn lại của thừa phát lại (xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án) còn rất khó khăn. Thực tế, mới có Văn phòng Nha Trang tư vấn được một số hồ sơ, nhưng cũng chưa xác minh thi hành án và thi hành án do quy định khác nhau về thẩm quyền tổ chức, thực hiện thi hành án giữa NĐ về thừa phát lại và Luật Thi hành án hiện hành.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo quy định, thừa phát lại thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành gồm: xác lập vi bằng, xác lập văn bản tống đạt, xác minh thi hành án và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bắc Sơn - Trưởng Văn phòng Nha Trang, địa vị pháp lý của thừa phát lại mới được thể hiện trong NĐ 61, NĐ 135 và Thông tư liên tịch số 09/2014; các luật, bộ luật khác chưa quy định rõ. Ông đề nghị bổ sung khái niệm vi bằng do thừa phát lại lập là chứng cứ và thừa phát lại là một chức danh tư pháp có chức năng thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, cần quy định rõ về thừa phát lại, vi bằng, chức năng của Sở Tư pháp trong đăng ký vi bằng để quản lý thủ tục chung, đảm bảo tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ, giảm gánh nặng quản lý cho sở.
Ông Bùi Hữu Trung - Trưởng Văn phòng Cam Ranh cho biết, hoạt động thừa phát lại ở Cam Ranh gặp khó còn do nhận thức của người dân chưa đầy đủ; nhu cầu cần thừa phát lại thực hiện chưa nhiều. Cán bộ một số phòng, ban, UBND cấp xã chưa nhận được các văn bản liên quan, dẫn tới tiếp nhận, xử lý thông tin và phối hợp thực hiện chế định thừa phát lại còn lúng túng, chưa kịp thời. Mức phí chi cho việc tống đạt văn bản áp dụng trong giai đoạn thí điểm cũng không còn phù hợp (không quá 65.000 đồng/việc trong phạm vi cấp huyện nơi đặt văn phòng và không quá 130.000 đồng/việc ở huyện khác thuộc tỉnh).
Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua, ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nêu, NĐ về thừa phát lại chưa quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký vi bằng. Quy định thời hạn vào sổ đăng ký vi bằng không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận; nếu từ chối phải thông báo ngay bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối đã gây khó cho Sở Tư pháp trong việc thẩm tra tính hợp lệ của vi bằng. Ngoài ra, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về phạm vi lập vi bằng. Hiện nay, Sở Tư pháp vẫn chưa vào sổ đăng ký vi bằng các trường hợp ghi nhận việc giao nhận tiền để thực hiện biên bản, văn bản, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng tài sản là đất đai và đang phải xin hướng dẫn của Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp). Bên cạnh đó, các NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chưa quy định xử phạt trong lĩnh vực thừa phát lại. Sở đã nhiều lần kiến nghị về việc lập vi bằng liên quan đến chuyển nhượng đất đai, tài sản nhưng đến nay, NĐ mới về thừa phát lại vẫn chưa được ban hành.
NGUYỄN VŨ