Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cứu nạn trên biển, những thuyền viên tàu SAR27-01 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV vẫn ngày đêm bám tàu, thực hiện “3 tại chỗ” vươn khơi cứu người giữa mùa dịch với quyết tâm cao nhất…
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp lên con tàu cứu nạn SAR27-01 neo tại cầu cảng Nha Trang. Lúc này, thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng cùng các thuyền viên đang bảo dưỡng trang thiết bị máy móc trên tàu, kiểm tra nhu yếu phẩm trước chuyến đi biển nhiều giờ để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Anh Thắng cho biết, liên tục những tháng qua, để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai thực hiện “3 tại chỗ”, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cứu nạn trên biển trong tình huống cấp bách, vừa đảm bảo an toàn cho tất cả thuyền viên. Đã nhiều ngày qua, 17 thuyền viên chưa thể về với gia đình, người thân. Vậy nhưng, khi kịp thời cứu được người không may gặp phải tai nạn trên biển thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc với mỗi người.
Ngồi trên boong tàu, anh Thắng nhớ lại đêm giữa tháng 7 vừa qua. Hôm đó, tàu hàng Antonis Angelicoussis (Hy Lạp) đang trong hải trình từ Singapore đi Trung Quốc có một thợ máy người Philippines bất ngờ bị bệnh nặng. Qua tin báo từ trung tâm, tàu SAR27-01 cùng toàn bộ kíp trực đã lên đường làm nhiệm vụ trong đêm tối. Cùng với việc thường xuyên cập nhật diễn biến của người bệnh, thuyền trưởng Lưu Xuân Thắng yêu cầu tàu hàng Antonis Angelicoussis chuyển hướng về Nha Trang, đồng thời nhắc nhở các thuyền viên chuẩn bị đồ bảo hộ để phòng dịch khi tiếp cận tàu hàng nước ngoài. Sau nhiều giờ vượt sóng vươn khơi, tàu SAR27-01 đã tiếp cận được tàu Antonis Angelicoussis và khẩn trương đưa thuyền viên bị bệnh nặng về cảng Nha Trang an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV cho biết, tuy tình hình dịch bệnh và thiên tai luôn có những diễn biến khó lường, phức tạp, nhưng hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của đơn vị vẫn diễn ra và duy trì thường trực 24/24 giờ. Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã thu nhận và xử lý 41 vụ việc. Trong đó, điều động phương tiện chuyên dụng 8 lượt để cứu nạn các thuyền viên trong trường hợp khẩn cấp, trực tiếp cứu sống 8 thuyền viên, ngư dân Việt Nam và 5 thuyền viên nước ngoài. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đột xuất cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, tất cả thuyền viên của đơn vị phải thực hiện nghiêm mọi quy trình. Ngoài ra, do dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và nhiều địa phương tại Việt Nam nói riêng, ngay khi thu nhận thông tin báo nạn, đơn vị đã tiến hành sàng lọc các yếu tố dịch tễ của đối tượng bị nạn. Từ đó, lập các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo an toàn, không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong lúc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn.
“Trong các đợt cao điểm, khi làm nhiệm vụ cứu nạn trên biển, đối với các thuyền viên nước ngoài phải đặc biệt đảm bảo các quy trình, quy định và hướng dẫn trong công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. Chúng tôi xác định, nhiệm vụ quan trọng nhất là cứu người, vì thế anh em trong đơn vị thường xuyên phải chạy đua với thời gian. Cứu người giữa trùng khơi luôn gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh dịch bệnh lại càng thêm thử thách. Tuy vậy, lực lượng cứu nạn của đơn vị luôn nỗ lực bằng mọi cách tốt nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Bình nói.
Thành Long