Viết từ Cô Lin…

Thứ năm - 12/03/2020 13:40
Rất nhiều người đến Trường Sa, khi về đều nói rằng họ nhớ nhất giây phút làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, ngay giữa biển khơi. Xúc động! Xót xa! Tự hào! Cảm xúc đan xen, ai cũng rơi nước mắt…     Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Viết từ Cô Lin…
Rất nhiều người đến Trường Sa, khi về đều nói rằng họ nhớ nhất giây phút làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, ngay giữa biển khơi. Xúc động! Xót xa! Tự hào! Cảm xúc đan xen, ai cũng rơi nước mắt…

 

Vòng hoa thả xuống tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (phía xa là đảo Gạc Ma). Ảnh: Phú Quốc
Vòng hoa thả xuống tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (phía xa là đảo Gạc Ma). Ảnh: Phú Quốc
 
Và chúng tôi cũng vậy! Trên hành trình ra thăm Trường Sa, hơn 200 người đứng trên boong tàu 561 lặng lẽ nghe bài tưởng niệm giữa “nghĩa trang xanh”, giữa khói hương nghi ngút và tiếng kinh cầu siêu. Đã từng đọc nhiều, nghe nhiều và xem tư liệu nhiều, nhưng quả thật có đứng giữa đại dương mênh mông như thế này mới hiểu và càng thêm khâm phục sự quả cảm của các chiến sĩ Hải quân. Cuộc chiến đấu rạng sáng 14-3-1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Đó là ngày những người lính Việt Nam can trường đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, bằng máu và nước mắt...
 
Chúng tôi cùng thả hoa và những con hạc giấy xuống biển. Không ai bảo ai, mọi người đứng thật lâu, lặng nhìn những nhành hoa dần trôi xa, trôi xa... Phía bên kia là Gạc Ma. 32 năm trước, súng đã nổ ở nơi này. Chúng tôi như thấy lại cảnh các chiến sĩ trong vòng vây kẻ thù, trước cái chết cận kề vẫn hiên ngang, anh dũng. Anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hi sinh đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng...”. Và đồng đội của anh đã nắm tay nhau thành vòng tròn bất tử trước họng súng của địch. Tuổi thanh xuân của họ đã nằm lại giữa biển khơi… Đứng trước biển trời, ai nấy đều rưng rưng. Đã 32 năm rồi, nơi này hóa thành nghĩa trang xanh - nơi mà nhiều đoàn tàu chở khách ra thăm đều dừng chân ghé lại để viếng các anh. Và hẳn là khi nghe huyền thoại về những con người này, ai cũng sẽ bật lên câu hỏi tại sao họ có thể làm được điều phi thường ấy để giữ từng tấc đảo? Chỉ có thể là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người lính Hải quân trước lằn ranh sinh tử…
 
Bước chân lên đảo Cô Lin, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, chúng tôi cảm thấy xúc động thật sự. Một người lính chỉ cho chúng tôi xem vị trí con tàu HQ 505 trong trận chiến năm xưa, dù bị địch cố tình bắn phá vẫn hiên ngang lao lên bãi đá Cô Lin để xác định chủ quyền. Lúc ấy là 6 giờ 30 phút ngày 14-3-1988, ta cắm hai lá cờ Tổ quốc trên đảo Cô Lin. Lúc này phía bên ngoài, đối phương dùng một số tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại khiêu khích, tấn công lực lượng của ta làm tàu HQ 505 bị hỏng máy chính. Trước tình thế đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã lệnh cho tàu HQ 505 ủi lên bãi cạn. 2/3 thân tàu bị bốc cháy, bộ đội trên tàu vừa dập lửa cứu tàu vừa giữ đảo, cuộc chiến đấu bảo vệ đảo giữa ta và địch không cân sức, song họ vẫn bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, kiên cường bảo vệ đảo với tinh thần “còn người còn đảo”. Giờ thì dấu tích của con tàu HQ 505 đã hòa vào sóng biển. Nhưng những gì thuộc về lịch sử thì mãi còn ghi dấu…

 

Nụ cười chiến sĩ Cô Lin.
Nụ cười chiến sĩ Cô Lin.
 
Các thành viên trong đoàn đều muốn lên vọng gác để nhìn rõ hình hài Gạc Ma qua ống nhòm. Trước mặt, những chiếc tàu chiến vẫn lượn qua lượn lại giương oai. Thượng úy Ngô Văn Bun - chính trị viên đảo cười: làm nhiệm vụ ở Cô Lin, chúng tôi xác định không được phép lơ là mất cảnh giác, không được phép ngủ say, dù ban ngày hay ban đêm. Những anh lính ở đây, ai cũng đen nhẻm nhưng có nụ cười rất tươi. Nguyễn Nhật Thuận - chiến sĩ trẻ ôm súng đứng vọng gác nhoẻn miệng cười với khách: “Đảo có bình yên thì quê nhà mới bình yên. Mọi người thường hỏi chúng em có khó khăn gì không, thú thật những điều ấy có là gì so với công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống để giữ đảo đâu. Nên chúng em cảm thấy may mắn khi ở đây để giữ sự bình yên cho đảo…”.
 
Sự bình yên ấy, quả thật là chưa khi nào chúng tôi cảm nhận rõ như thế khi đi dạo trên đảo. Vườn rau xanh mướt, giàn bông giấy nở đầy hoa, đàn chó quấn quýt chân người… chỗ nào cũng thấy ấm áp, thân tình. Mặc ngoài kia là bão giông, là những ngày phải căng mình đối phó với tàu lạ…
 
Cảm giác bình yên ấy, với những người từ đất liền ra đảo, thật sự rất quý giá. Nghĩ về trận hải chiến năm xưa và thấy sự bình yên bây giờ, càng khâm phục và tự hào về những người đã nằm xuống với chân lý “còn người, còn đảo, còn Tổ quốc”…
 
Bất giác chợt nhớ tới câu thơ: Đèo sóng núi gió mai này sẽ còn dâu bể/Tình yêu lứa đôi mai này ắt còn chia xa/Nhưng em ơi phía này là quần đảo Trường Sa/Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi....
 
Thương lắm Trường Sa!
 
LỆ HẰNG
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp