Vì ánh mắt trẻ thơ

Thứ tư - 08/01/2020 11:46
Những năm qua, bằng nguồn vận động của các tổ chức trong và ngoài nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã giúp hàng trăm trẻ em nghèo được tư vấn, khám sàng lọc, phẫu thuật các bệnh về mắt để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vì ánh mắt trẻ thơ

Những năm qua, bằng nguồn vận động của các tổ chức trong và ngoài nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã giúp hàng trăm trẻ em nghèo được tư vấn, khám sàng lọc, phẫu thuật các bệnh về mắt để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.


Khai mở cho những “cửa sổ tâm hồn”  


Vừa mới lọt lòng mẹ, em Nguyễn Thị Yến Nhi (8 tuổi, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) bị quặm cả hai mắt. Hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, ngay người cha cũng bị đục thủy tinh thể, vì vậy, em không có kinh phí chữa bệnh mắt. Chị Tăng Thị Nga - mẹ em Nhi bùi ngùi: “Nhờ chương trình Vì ánh mắt trẻ thơ, cháu được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật kịp thời, có cơ hội giữ gìn đôi mắt, tự tin hòa nhập cộng đồng. Gia đình tôi rất cảm ơn chương trình”.

 

Chương trình Ánh mắt trẻ thơ bắt đầu triển khai từ năm 1998 do Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential phát động. Dự kiến, năm 2021, sau khi dự án kết thúc sẽ có 30.000 lượt trẻ em và gia đình được truyền thông tại cộng đồng; 4.200 trẻ em được khám phân loại và tư vấn các bệnh về mắt...

Bác sĩ khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ em ở huyện Khánh Vĩnh.


Khi sinh ra, mắt bên phải của em Cao Tuấn (14 tuổi, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) đã bị sụp mí. Tuấn luôn gặp khó khăn khi đi học và trong sinh hoạt hàng ngày. “Gia đình tôi chủ yếu làm rẫy, không có điều kiện để đưa cháu đi khám hay phẫu thuật. Lúc ấy, gia đình tôi rất tuyệt vọng vì mắt cháu mỗi lúc mờ dần. Đến năm 2016, được cán bộ UBND huyện thông báo về chương trình miễn phí, tôi đã đưa cháu đến đăng ký khám và được phẫu thuật”, chị Cao Thị Lụa - mẹ Tuấn tâm sự.


Bà Lưu Thị Ngọc Liên - Quyền Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, trường hợp của Tuấn và Nhi chỉ là 2 trong số hơn 500 em nhỏ được chương trình Vì ánh mắt trẻ thơ, do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh giúp đỡ khám sàng lọc và hỗ trợ phẫu thuật mắt. Đây là một nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống mù lòa cho trẻ em. Đa số trẻ được trợ giúp đều thuộc các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đưa con đi khám, chữa bệnh. Thông qua chương trình, phụ huynh cũng nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho trẻ em. Các phẫu thuật đã được thực hiện trong chương trình bao gồm các bệnh lý: lé, sụp mi, đục thủy tinh thể, glaucoma, quặm, tắc lệ đạo, các dị tật bẩm sinh mí mắt, đặc biệt là u nguyên bào võng mạc.


Vẫn còn hạn chế


Theo thống kê của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, những năm gần đây, số trẻ em tham gia chương trình phẫu thuật giảm dần vì nhiều lý do. Trong đó, có nguyên nhân do công tác khảo sát nhu cầu trẻ em chưa đầy đủ. Đối với trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, tại các trung tâm y tế huyện đa phần không có bác sĩ nhãn khoa cũng như trang thiết bị và cơ sở vật chất, khiến trẻ em khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ thăm khám, tư vấn về mắt.  

 

Chương trình Ánh mắt trẻ thơ bắt đầu triển khai từ năm 1998 do Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential phát động. Dự kiến, năm 2021, sau khi dự án kết thúc sẽ có 30.000 lượt trẻ em và gia đình được truyền thông tại cộng đồng; 4.200 trẻ em được khám phân loại và tư vấn các bệnh về mắt...

Ngoài ra, giữa gia đình và các nhà tài trợ chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên đối với những trường hợp đủ điều kiện được tham gia phẫu thuật thì các kết quả điều trị chưa cao. Mặt khác, nhiều cơ sở y tế tại địa phương chưa đủ điều kiện phẫu thuật, dẫn đến việc phải đưa trẻ về các thành phố lớn phẫu thuật, gây tốn kém, vất vả cho trẻ em và gia đình. “Công tác truyền thông đến cộng đồng chưa được sâu rộng, chưa có sự phối hợp tốt trong việc khám sàng lọc tại tuyến trên. Việc tổ chức cử người và bệnh nhân lên tuyến trên phẫu thuật chưa tốt. Cụ thể, một số bệnh nhân đã được khám sàng lọc nhưng bỏ hoặc từ chối điều trị với nhiều lý do kinh tế, như không có tiền ăn, ở…”, bà Liên nói.


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2020, sở sẽ tiếp tục vận động các tổ chức trong và ngoài nước để làm tốt công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em. Đặc biệt, dành sự ưu tiên đối với trẻ vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức thiết thực như: khám chữa bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát sữa, hỗ trợ chi phí phẫu thuật…


Bên cạnh đó, để công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em phát huy hiệu quả, các cấp, ngành trong tỉnh cần tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng các hoạt động, chính sách chăm lo cho trẻ, đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Có như thế, vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em không những tạo được sự bình đẳng mà còn giúp trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện hơn.


THANH TRÚC

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp