Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

"Vết sẹo" trên biển Ninh Phước

Thứ ba - 27/08/2019 13:04
Bao đời nay, người dân xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa tự hào có bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn màng, xinh đẹp. Nhưng rồi, một nhà đầu tư du lịch đến và đổ xuống đó hàng nghìn khối đất đá để làm một con đê đâm thẳng từ bờ ra biển. Con đê như một vết sẹo xấu xí, phá nát cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp nơi đây… Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
"Vết sẹo" trên biển Ninh Phước

Bao đời nay, người dân xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa tự hào có bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn màng, xinh đẹp. Nhưng rồi, một nhà đầu tư du lịch đến và đổ xuống đó hàng nghìn khối đất đá để làm một con đê đâm thẳng từ bờ ra biển. Con đê như một vết sẹo xấu xí, phá nát cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp nơi đây…


Như vết sẹo lồi


Từ Quốc lộ 1 đoạn qua phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, rẽ về Quốc lộ 26B và đi thêm chừng 20km, có một làng biển đẹp như tranh vẽ. Với địa thế sau lưng là dãy núi Hòn Hèo hình vòng cung bao bọc, phía trước mặt là bờ cát biển trắng mịn màng ôm ấp, chính giữa là làng biển Ninh Phước đang từng ngày thay da đổi thịt. Biển ở đây xanh trong, rì rào từng con sóng nhỏ dập dìu, cát biển trắng mịn không chút pha lẫn, bờ biển còn thoải dài ra xa, ra hàng trăm mét vẫn chưa ngập đầu người.

 

Con đê này đã tồn tại gần 15 năm nay.

Con đê này đã tồn tại gần 15 năm nay.


Sức quyến rũ của bãi biển Ninh Phước đã thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch đến đây xây dựng thành các điểm vui chơi, tắm biển, nghỉ dưỡng… dưới hình thức sinh thái nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ, êm đềm của khu vực này. Nhưng đó chỉ là chuyện cách đây 15 năm. Giờ đây, rải bước trên nền cát phẳng phiu hiền hòa ấy, một con đê dài hàng trăm mét như con rắn khổng lồ loang lổ, xấu xí đã phá hỏng cảnh quan hoang sơ nơi đây. Tại khu vực biển của thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, bờ đê bằng đất đá, từ bờ cát, đâm thẳng ra biển, cắt đôi bãi biển xinh xắn ở vùng đất này. Chẳng ai biết con đê ấy được sử dụng vào mục đích gì song không người dân nào nơi đây đồng tình với việc can thiệp thô bạo của doanh nghiệp vào cảnh quan mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. “Con đê không chỉ làm xấu bãi biển mà còn cản trở người dân chúng tôi đi qua khu vực này. Điều này rất vô lý. Chưa kể, nó còn thay đổi dòng chảy, gây ra nhiều hệ lụy”, một người dân cho biết. Có lẽ vì thế, những năm qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, qua các buổi tiếp xúc cử tri… yêu cầu trả lại vẻ đẹp vốn có cho bãi biển. Ai cũng bức xúc với con đê đang làm mất mỹ quan của khu du lịch, ngăn trở việc đi lại của người dân và du khách khi đến đây.


Không chỉ người dân, một số doanh nghiệp du lịch cũng bức xúc khi tài sản chung của cộng đồng đã bị những người làm du lịch thiếu tầm nhìn phá hỏng không thương tiếc. “Con đê còn ngăn cản du khách tham quan, đi dạo trên bãi biển, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác du lịch của các doanh nghiệp khác. Bây giờ, nhìn từng đợt sóng ập vào bờ đất đá làm nước biển bị đục, ai cũng thấy đáng tiếc khi nhớ về làn nước trong vắt có thể nhìn tận đáy trước đây”, lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch nơi đây nói.


Lấn biển trái phép


Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 11-2004, UBND tỉnh cho phép Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Ninh Phước (gọi tắt là Công ty Ninh Phước) thuê khu đất tại thôn Ninh Tịnh có tổng diện tích hơn 68,2ha, trong đó diện tích mặt đất hơn 32,9ha, diện tích mặt nước biển hơn 35,2ha với thời hạn 45 năm để phát triển du lịch. Trong quyết định cấp phép nêu rõ: “Phần diện tích bãi cát ven biển, công ty không được xây dựng các công trình kiên cố, khi Nhà nước có nhu cầu sẽ thu hồi đất sử dụng vào mục đích công cộng. Phần diện tích mặt nước biển sử dụng vào mục đích du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện khác trên biển, bảo đảm môi trường, sinh thái tự nhiên của vùng biển…”.

 

Đất đá được đổ ra bãi cát được cho là để chắn sóng.

Đất đá được đổ ra bãi cát được cho là để chắn sóng.


Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: “Chủ trương của tỉnh đã rất rõ, thế nhưng trong quá trình hoạt động, công ty này lại đổ hàng nghìn khối đất, đá lấn biển. Việc làm này đã làm mất mỹ quan bãi biển của địa phương. Chưa kể bờ đá này còn làm thay đổi dòng chảy nước biển, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu. Nhiều năm qua, người dân và các công ty du lịch lân cận rất bức xúc, gửi đơn thư kiến nghị, khiếu nại, yêu cầu phá dỡ bờ đê này”.

 

Con đê ngăn chia bãi biển.

Con đê ngăn chia bãi biển.


Ông Huỳnh Thanh Minh - Chuyên viên Phòng Quy hoạch xây dựng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, khi đổ đất đá lấn biển, công ty đã không báo cáo hay xin phép cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, khu vực công ty này đã đổ đất, đá có bề rộng hơn 4m, dài hơn 130m làm chia cắt bãi biển Ninh Phước. Sở Xây dựng đã xử phạt công ty này 40 triệu đồng về hành vi tự ý lấn biển trái phép này.


Khắc phục chậm chạp


Trước sự việc này, tháng 11-2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trước ngày 31-8-2019. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cho UBND xã Ninh Phước để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện. Trong khoảng thời gian trên, nếu chủ đầu tư không thực hiện theo yêu cầu của đoàn kiểm tra đưa ra thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Thời gian qua, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với UBND xã Ninh Phước kiểm tra, theo dõi quá trình khắc phục của Công ty Ninh Phước. Tuy nhiên, chủ đầu tư khắc phục quá chậm. Nhưng do chưa hết thời gian mà đoàn kiểm tra đưa ra, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở công ty gấp rút khắc phục”, ông Minh nói.

 

Chỉ với một chiếc xe múc, việc khắc phục là khá chậm.

Chỉ với một chiếc xe múc, việc khắc phục là khá chậm.


Ông Đống Lương Sơn - Phó Giám đốc Công ty Ninh Phước cho biết, dự án được đầu tư vào năm 2005, thời điểm đó, sóng biển rất lớn nên công ty đã tiến hành đổ đất đá ra biển để làm bờ kè với mục đích chắn sóng (?). Việc làm này là tự phát, sai quy định nên hiện nay công ty đang thu dọn số đất đá đã đổ ra biển. Hiện nay, công ty đang múc những cục đá lớn ngoài mặt nước đưa lên sát khu du lịch. Việc thu dọn này của công ty cũng khá tốn kém, chi phí ước tính khoảng 500 triệu đồng. Đến ngày 31-8, đơn vị không thể khắc phục xong 100%, chỉ có thể làm được phần nổi, còn phần chìm dưới nước thì khắc phục dần.


Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại Du lịch Nha Trang - đơn vị đang khai thác du lịch ở đây cho biết: “Hơn 2 năm qua, việc khắc phục của công ty này là quá chậm. Chúng tôi chỉ thấy 1 chiếc xe xúc ra múc bờ đất đá lên nhưng lại không thấy xe ô tô chở đất đá đi nơi khác. Thậm chí, xe xúc còn đẩy đất đá ra biển chứ không phải múc lên. Rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động khắc phục của công ty này. Đồng thời, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ khắc phục để sớm trả lại vẻ đẹp cho bãi biển nơi đây”.


Theo lãnh đạo xã Ninh Phước, địa phương và các ngành chức năng đã nhiều lần làm việc, yêu cầu Công ty Ninh Phước khắc phục, trả lại hiện trạng cho bãi biển. Nhưng việc khắc phục của công ty là quá chậm, gây bức xúc trong nhân dân.


Hồng Đăng - Phú An
 


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp