Đã 74 mùa thu lịch sử, nhưng mỗi lần nghe lại những bản hành khúc kêu gọi mọi người cùng nhau lên đường đấu tranh giành chính quyền vẫn khiến cho mỗi chúng ta cảm nhận được khí thế sôi nổi, tinh thần đấu tranh cách mạng của các bậc cha anh năm xưa.
Ngày 19-8-1945, các lực lượng khởi nghĩa từ những ngả đường khác nhau đã kéo tới quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội). Mọi người vừa đi vừa hát vang những bản hành khúc cách mạng. Theo chia sẻ của nhạc sĩ Thụy Kha với báo chí: “Giai điệu hào hùng của những bản hành khúc này như một chất keo gắn chặt, liên kết các đám đông. Nó tạo thành một sức mạnh lớn lao như sóng triều lên, chiếm lĩnh dinh lũy thực dân, đập tan xiềng xích nô lệ”. Trong số rất nhiều bản nhạc được cất lên lúc bấy giờ, có những bản hành khúc sống mãi với thời gian, đến nay vẫn thường xuyên được vang lên khi nhắc lại thời khắc lịch sử của dân tộc như: Cùng nhau đi hồng binh (nhạc sĩ Đinh Nhu), Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao), Diệt phát xít (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi), Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) và Mười chín tháng Tám(nhạc sĩ Xuân Oanh).
Mỗi ca khúc được viết trong những thời điểm khác nhau, nhưng tựu trung lại chính là khí thế sục sôi, sự cổ vũ tinh thần đấu tranh của lớp lớp tầng lớp nhân dân. Nó như những lời hiệu triệu của non sông để mọi người cùng đứng lên giành chính quyền về tay mình. Với hành khúc Cùng nhau đi hồng binh, mỗi lời ca như một lời tuyên thệ cho non sông đất nước: “Cùng nhau đi hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh…”. Trong khi đó, những lời ca trongDiệt phát xít như: “Dưới ánh cờ đỏ ánh vàng sao/Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái/Vác súng lên ta đi lên ta tiến lên ta diệt quân thù…” vang lên trong ngày khởi nghĩa có sức động viên, thôi thúc lòng người cần lao. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có hai ca khúc được hát vang ở Hà Nội. Hai bản hành khúc này được lan truyền từ những thanh niên trí thức đến mọi tầng lớp nhân dân. Tiếng gọi thanh niên được viết ra trong niềm hứng khởi của cao trào cách mạng, còn hành khúc Lên đàng được viết trong những ngày tác giả xếp bút nghiên tại Hà Nội để lên đường trở về Nam. Không chỉ được vang lên ở Hà Nội, một tuần sau đó, trong không khí đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, hai ca khúc này tiếp tục truyền lửa cho mọi người.
Hành khúc Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao viết từ cuối năm 1944 và đã lan truyền lên chiến khu Việt Bắc cũng như trong những chiến sĩ hoạt động bí mật ở Hà Nội. Chính vì thế, đến ngày 19-8-1945, ca khúc này đã vang trên mọi ngả đường thủ đô Hà Nội. Tiến quân ca đã được chọn làm bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh và sau này là Quốc ca.
Đặc biệt hơn cả trong những bản hành khúc về ngày khởi nghĩa chính là ca khúc Mười chín tháng Tám. Ngay tên của bài hát đã ghi lại mốc son hào hùng trong lịch sử dân tộc. Ca khúc được nhạc sĩ Xuân Oanh viết khi ông đang cùng đoàn người khởi nghĩa tiến về trung tâm Hà Nội. Ông vừa đi vừa nhẩm giai điệu, lời ca để đến khi đoàn người tới Nhà hát Lớn thì bản hành khúc cũng được viết xong. Ngay sau đấy, ca khúc Mười chín tháng Tám đã vang lên trên đường phố Hà Nội giữa rừng người tham gia khởi nghĩa. Cho đến bây giờ, mỗi lần nghe những ca từ như: “Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề/Mười chín tháng Tám/Chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam” vẫn luôn khiến mỗi người mường tượng về khung cảnh đấu tranh năm xưa.
Trải qua hơn 7 thập niên, những ca khúc này không chỉ làm tròn sứ mệnh cổ vũ, động viên tinh thần của quần chúng đứng lên giành chính quyền, mà còn truyền lửa cách mạng cho đến hôm nay và mai sau. “Mỗi lần đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, chúng tôi lại được nghe những ca khúc đầy khí thế và quyết tâm thì trong lòng cũng dâng tràn niềm tin. Tôi đã hiểu hơn về tinh thần của thế hệ đi trước và thấy mình cần tu dưỡng, rèn luyện nhiều hơn để góp phần xây dựng đất nước hôm nay”, bạn Phương Linh (đoàn viên phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) chia sẻ.
Giang Đình