Năm 2022, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được huyện Vạn Ninh triển khai đồng bộ, thu hút nhiều sản phẩm tham gia với số lượng và chất lượng được nâng cao hơn trước. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc nâng tầm giá trị, góp phần phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP của huyện.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện vừa tổ chức đánh giá các sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện năm 2022. Theo đó, toàn huyện có 18 sản phẩm (với 13 chủ thể) được đưa vào danh mục tham gia chương trình OCOP lần này. Qua quá trình xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh và khảo sát cơ sở, có 11 sản phẩm (9 chủ thể) đủ điều kiện để đánh giá. Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng theo các tiêu chí: Đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.
Năm nay, Công ty Cổ phần Thủy sản Sinh học Vina tham gia chương trình OCOP với sản phẩm hàu sữa sạch Vinabs. Ông Nguyễn Kỳ Sanh - Giám đốc công ty cho biết, thời gian qua, đơn vị đã được các ngành, địa phương, đơn vị tư vấn hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, thiết kế bao bì, mẫu mã, marketing để hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Cùng với đó, công ty luôn chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đến tận vùng nuôi chọn nguyên liệu, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn theo tiêu chí của OCOP. Chương trình OCOP có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp, giúp sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Đặc biệt, khi sản phẩm OCOP được cấp tỉnh công nhận đạt 3 sao hoặc 4 sao, thị trường tiêu thụ và đối tượng khách hàng tiếp cận sản phẩm sẽ nhiều hơn.
Ông Lê Minh Thanh - hộ kinh doanh sản phẩm hương trầm xã Vạn Thắng cho biết, năm nay, cơ sở tham gia chương trình OCOP với 2 bộ sản phẩm là nhang trầm hương không tăm và nhang trầm hương có tăm. Thế mạnh sản phẩm của cơ sở là được sản xuất tại làng nghề truyền thống xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng) đã có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được người tiêu dùng biết đến. Khi tham gia chương trình, cơ sở mong muốn các cấp, ngành đẩy mạnh hoạt động quảng bá để sản phẩm OCOP có được thị trường tiêu thụ rộng hơn, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm của địa phương.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện đã đánh giá 10 sản phẩm đạt từ 50 điểm trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt ngưỡng 4 sao và 6 sản phẩm đạt ngưỡng 3 sao cấp huyện. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP lần này mang tính đặc trưng, thế mạnh của địa phương cao, như: Chả cá, nhang trầm, dừa xiêm…
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, sự triển khai đồng bộ, hiệu quả của huyện về tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hợp đồng với đơn vị tư vấn hỗ trợ các chủ thể… đã giúp các cơ sở có điều kiện phát triển và hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với thực tế. Các sản phẩm được đánh giá hoàn chỉnh hơn so với giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, hội đồng của huyện xem xét rất kỹ vấn đề chứng nhận các tiêu chuẩn theo quy định. Đối với các tiêu chí chưa đạt, địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể để sản phẩm hoàn thiện hơn, phấn đấu có từ 5 đến 6 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận 3 sao. Khi đó sẽ nâng tầm giá trị, phát huy thế mạnh sản phẩm, tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình trong những năm tiếp theo.
Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2021, huyện có 4 sản phẩm được tỉnh công nhận 3 sao, gồm: Chả cá chiên và chả cá hấp (cơ sở sản xuất chả cá Phạm Thị Thuận - xã Vạn Phú); sản phẩm chả cá chiên (hộ kinh doanh Nguyễn Trang Thùy Diễm - xã Vạn Thắng); trầm mỹ nghệ (Hợp tác xã Trầm Hương Vạn Thắng). Giai đoạn 2022-2025, toàn huyện có 22 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. |
Đồng Xuân