Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã nỗ lực trong phát triển kinh tế biển, tuy nhiên kết quả thu được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Do vậy, trong giai đoạn 2019 - 2020, huyện sẽ chú trọng đầu tư để thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Chưa khai thác hết thế mạnh
Vạn Ninh được thiên nhiên ban tặng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển rộng lớn và rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc khai thác hoạt động NTTS ở đây còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Việc nuôi trồng không tuân theo quy hoạch, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh nhiều. Toàn huyện hiện có hơn 960 hộ với hơn 21.500 lồng tôm hùm và các loại cá ở 6 vùng quy hoạch nuôi biển. Tuy nhiên, do thiên tai, môi trường, dịch bệnh đã có nhiều tác động rất lớn đến người nuôi thủy sản, khiến nhiều hộ rơi vào khó khăn. Điều này là do việc đầu tư chưa đồng bộ, công tác quản lý, quy hoạch chậm và thiếu chặt chẽ dẫn đến khó kiểm soát. Bên cạnh đó, huyện còn có hơn 1.700ha đìa nuôi tôm và ốc hương, nhưng hiện nay diện tích thả nuôi có xu hướng thu hẹp do nhiều hộ rơi vào thua lỗ, bỏ đìa.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản cũng còn nhiều hạn chế. Toàn huyện có hơn 1.560 tàu, thuyền song đa phần là công suất nhỏ. Do vậy, hoạt động khai thác thủy sản ngoài khơi xa còn ít, chủ yếu khai thác gần bờ nên sản lượng chưa cao. Sản lượng khai thác năm 2017 đạt hơn 9.800 tấn, hiện nay giảm chỉ còn khoảng 9.000 tấn. Tình trạng khai thác thủy sản bằng phương pháp hủy diệt như: thuốc nổ, giã cào, xung điện… vẫn còn diễn ra. Thời gian qua, qua 3 đợt tuần tra, huyện đã phát hiện 75 trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện cho biết, theo quy hoạch huyện có 22 bến thủy, trong đó có 2 bến tổng hợp, 10 bến dân sinh, 2 bến cá và 8 bến du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 8 bến đò dân sinh và 1 cảng cá hoạt động. Trong đó, chỉ có 1 bến cá Vạn Giã đủ điều kiện hoạt động, còn lại chưa được cấp phép. Chính từ việc đầu tư chưa đồng bộ các bến thủy khiến hoạt động vận tải thủy nội địa, du lịch biển, đảo chậm phát triển.
Tập trung đầu tư
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể về thực hiện chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trước mắt, huyện sẽ đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế biển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, khai thác. Cụ thể, ở lĩnh vực NTTS, huyện sẽ quy hoạch nghề NTTS trong giai đoạn mới, kiên quyết chỉ cho nuôi biển trong 6 vùng quy hoạch để quản lý chặt chẽ, giải quyết dứt điểm những vấn đề xâm chiếm vùng nuôi; đưa ra những yêu cầu về bảo vệ môi trường; thêm các đối tượng nuôi mới cùng với việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng hiện đại cho người dân. Phấn đấu tổng sản lượng NTTS đạt hơn 1.700 tấn/năm.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, huyện tập trung vận động, hỗ trợ khai thác thủy sản xa bờ cho ngư dân tại những xã có nghề cá trọng điểm như: Đại Lãnh, Vạn Thắng, thị trấn Vạn Giã. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện đóng mới 20 chiếc tàu cá có công suất từ 400CV trở lên bằng vỏ sắt hoặc composite. Mục tiêu sản lượng khai thác hơn 10.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc ngư dân khai thác thủy sản bằng hình thức hủy diệt. Huyện cũng tiến hành khảo sát, nghiên cứu những khu vực có rạn san hô, thảm cỏ biển, đá ngầm để khoanh vùng bảo vệ nhằm tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản; đầu tư, nâng cấp các bến thủy ở các xã như: Vạn Thắng, Vạn Hưng, Vạn Thạnh, Vạn Giã phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản, dân sinh và du lịch.
Ông Võ Lục Phẩm cho hay: “Trong chương trình này, lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng đầu tư, khai thác những tiềm năng vốn có. Trước mắt, huyện sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp cơ sở du lịch đang hoạt động, nhất là ở Đại Lãnh, Hòn Ông, Bãi Tây. Đồng thời, quảng bá, kêu gọi đầu tư vào những điểm du lịch mới có nhiều tiềm năng như: Bãi Cát Thắm, Hòn Đôi, Hồ Na, Khải Lương, Rạn Trào…”.
VĂN GIANG