Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông: Tập trung giải phóng mặt bằng

Thứ năm - 21/02/2019 11:32
Sáng 21-2, tại TP. Nha Trang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông: Tập trung giải phóng mặt bằng

Sáng 21-2, tại TP. Nha Trang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể; các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương có dự án đi qua.


Khẩn trương thực hiện


Tuyến cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng chiều dài 11 dự án là 654km, tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

 

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào khait hác

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào khait hác


Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dự kiến công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án hoàn thành cuối quý I, đầu quý II/2019. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật cho 11 dự án này.


Về khung chính sách giải phóng mặt bằng các dự án, 3/11 dự án, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng. 8 dự án còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách. Bộ GTVT đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án làm việc với địa phương.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hội nghị


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau hội nghị này sẽ triển khai chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và các đơn vị sớm bàn giao hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo; sớm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chuyển đến các hội đồng giải phóng mặt bằng và cung cấp mã dự án cho các địa phương để mở tài khoản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại kho bạc các huyện. Ngoài ra, các ban cũng chỉ đạo cán bộ điều hành các dự án và giải phóng mặt bằng thường xuyên phối hợp với UBND và hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện, thị xã của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được nhanh, chính xác.


Khó khăn tái định cư


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, tuyến cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh đi qua huyện Diên Khánh (8km), huyện Cam Lâm (3,5km) và TP. Cam Ranh (15,6km) với quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17m; giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe trên nền đường rộng hơn 32m. Dự án được đầu tư theo hình thức BOT bao gồm vốn Nhà nước tham gia và vốn của nhà đầu tư, có quy mô sử dụng đất khoảng 325ha. Đến nay, các địa phương đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang triển khai đo đạc, khảo sát các địa điểm bố trí tái định cư cho dự án.


Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh cho rằng, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn vì khối lượng giải phóng mặt bằng đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, số lượng các hộ phải bố trí tái định cư nhiều, trong khi tỉnh chưa có sẵn các khu tái định cư để bố trí các hộ phải di dời. Bên cạnh đó, lực lượng để làm công tác kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất ở các địa phương thiếu trầm trọng.


Để đảm bảo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Khánh Hòa đề xuất Phó Thủ tướng và Bộ GTVT tổ chức họp giao ban ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thường xuyên để kiểm tra, đánh giá tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cơ quan Trung ương cần có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các hộ bàn giao mặt bằng trước nhận tiền sau. Trong công tác bồi thường cần áp dụng mức tối đa cho các hộ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền tầm quan trọng của dự án, niêm yết công khai chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, có biện pháp mạnh đối với các hộ cố tình chống đối…


Khởi công từ quý III/2019


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, ngay từ lúc này, các cơ quan phải quyết liệt vì dự báo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến thành công của dự án. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo các ban quản lý dự án cung cấp kịp thời tài liệu cần thiết cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng; cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đã được phê duyệt để quý III/2019 có thể khởi công một số dự án. Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương để phê duyệt và công khai phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện trong từng giai đoạn.


Đối với UBND các tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu phải sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; hỗ trợ và cung cấp các nguồn vật liệu cho dự án; không để xảy ra điểm nóng khi thực hiện dự án; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án.


NHẬT THANH


 




Đảm bảo chất lượng tốt nhất

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Tất cả các công trình, yêu cầu quan trọng nhất vẫn là chất lượng kỹ thuật. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, bộ sẽ căn cứ vào quy trình quy phạm của quốc gia và quốc tế để thực hiện. Dự án này có tổ chức đấu thầu quốc tế nên có thể sẽ có nhà đầu tư quốc tế tham gia và trúng thầu. Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát đấu thầu, chọn những nhà thầu, đơn vị tư vấn uy tín, đảm bảo công trình có chất lượng tốt nhất theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật. Theo kế hoạch, trong năm 2019 bộ sẽ cố gắng bàn giao mốc giải phóng mặt bằng chính xác nhất cho 13 tỉnh; từ tháng 9 đến tháng 12-2019 sẽ đấu thầu quốc tế.

 


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp