Từng bước phát triển thương mại miền núi

Thứ năm - 07/05/2020 12:10
Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã từng bước phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Từng bước phát triển thương mại miền núi

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã từng bước phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.


Theo lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh, năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa phương gặp không ít khó khăn. Hàng hóa sản xuất trong nước chưa đa dạng, phong phú; thông tin còn hạn chế, giao thông chưa thuận lợi. Năm 2016, UBND huyện đã tạm ứng kinh phí mua hàng hóa sản xuất trong nước để bình ổn giá trong các ngày lễ, Tết, dự trữ lương thực, thực phẩm thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; đưa hàng xuống 8 cửa hàng ở 8 xã thuộc địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tổ chức bán hàng lưu động ở các thôn tại vùng sâu, vùng xa của huyện. Tuy nhiên, sức mua rất thấp, hàng hóa cuối năm vẫn còn tồn đọng, ít được khách hàng quan tâm.

 

Diện tích chợ thị trấn Khánh Vĩnh chưa  đáp ứng được  nhu cầu phát triển thương mại  tại  địa phương.

Diện tích chợ thị trấn Khánh Vĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại tại địa phương.


Năm 2017, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ - Thương mại phân công nhiệm vụ cho nhân viên thuộc 8 cửa hàng trực thuộc tiến hành khảo sát nhu cầu mua sắm của người dân từng xã. Sau khi có số liệu cụ thể, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại khảo sát đầu vào các mặt hàng trong nước và ký hợp đồng với các nhà phân phối đưa hàng về 8 cửa hàng; phối hợp với các phòng, ban có liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức đến người dân. Nhờ đó, sức mua các mặt hàng như: nước mắm, dầu ăn, mì tôm, bột giặt... tăng thêm 60%, cuối năm không còn hàng hóa tồn kho. Từ kết quả đạt được bước đầu, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại đã đi vào hoạt động ổn định, phục vụ người dân tốt hơn.


Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, đến nay, sức mua hàng tại 8 điểm bán hàng năm sau đều cao hơn năm trước. Đặc biệt, sức mua tăng cao ở những dịp lễ, trước, trong và sau Tết. Hiện tại, 8 cửa hàng của Trung tâm Dịch vụ - Thương mại hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về số lượng, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn huyện. Đây là kết quả đáng mừng đối với Trung tâm Dịch vụ - Thương mại với vai trò, nhiệm vụ góp phần phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa.


Bên cạnh đó, huyện Khánh Vĩnh có 4 chợ đang hoạt động để phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện, gồm: chợ xã Khánh Bình phục vụ chung 3 xã Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp; chợ xã Sông Cầu phục vụ chung 2 xã Sông Cầu, Khánh Phú; chợ thị trấn Khánh Vĩnh phục vụ 3 xã Khánh Thành, Khánh Nam, Cầu Bà và thị trấn Khánh Vĩnh; chợ xã Liên Sang phục vụ 4 xã Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang. Đến cuối năm 2019, có 3 chợ đã đạt chuẩn theo quy định là chợ xã Sông Cầu, xã Liên Sang và thị trấn Khánh Vĩnh. Việc quản lý tốt hoạt động các chợ đã góp phần đẩy mạnh giao thương, giúp nâng cao đời sống người dân.


Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa phương còn gặp một số khó khăn nhất định như: tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào cho các dịch vụ với mức giá cạnh tranh; một số cửa hàng của Trung tâm Dịch vụ - Thương mại nằm cách xa khu dân cư, trái tuyến đường giao thông nên việc kinh doanh không thuận lợi; dân số ngày càng tăng, nhu cầu buôn bán của người dân tăng lên nhưng diện tích chợ vẫn còn chật hẹp... “Huyện đã kiến nghị các cấp thẩm quyền cho Trung tâm Dịch vụ - Thương mại được hưởng chính sách trợ cước - trợ giá để giảm bớt chi phí hoạt động, giá thành sản phẩm bán ra cho người dân cũng được hưởng lợi; cho tạm ứng nguồn vốn với thời gian dài hạn hơn để thuận lợi cho việc xoay vòng vốn. Bên cạnh đó, huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí xây thêm kho chứa hàng nông sản cho cửa hàng có số lượng thu mua cao...”, ông Thuận cho biết.


V.THÀNH





 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp