Tuân thủ tốt việc khoanh vùng sản xuất, chuyển sang cây trồng cạn, sử dụng giống cây ngắn ngày là những khuyến cáo của Cục Trồng trọt tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa sáng 11-6 về các giải pháp giảm thiệt hại cho nông nghiệp do nắng hạn.
Khoanh vùng sản xuất
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, do nắng hạn, thiếu nước sản xuất nên trong số gần 19.000ha lúa hè thu năm 2020 theo kế hoạch, toàn tỉnh chỉ gieo sạ được 5.126ha. Cơ cấu giống chủ lực là: ML48, ML202, ML2014, OM4900. Ngoài ra, nông dân còn gieo sạ một số giống bổ sung như: TH41, TH6, OM7347, OM6976. Thời điểm này, lúa đang sinh trưởng ở giai đoạn mạ - làm đòng, trổ. Như vậy, có khoảng 14.000ha lúa hè thu năm nay phải bỏ vụ do không điều tiết được nước tưới.
Theo báo cáo của các địa phương, một số cây trồng hàng năm khác tương đối ổn định về diện tích, năng suất. Trong đó, cây bắp 1.200ha, đậu 284ha, mì 3460ha, đậu phộng 300ha, rau xanh các loại 2.343ha... Diện tích cây ăn quả tiếp tục duy trì ổn định, có mức tăng nhẹ do nông dân tích cực chuyển đổi từ vườn rẫy tạp sang trồng cây ăn quả. Một số cây trồng chính như xoài gần 8.200ha, trong đó có gần 6.700ha đang cho thu hoạch, vụ xoài vừa qua năng suất ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng gần 37.000 tấn; sầu riêng gần 500ha đang cho thu hoạch trong tổng số 1.650ha. Toàn tỉnh cũng có 1.381ha bưởi và cây trồng này cho thu hoạch nhiều giai đoạn.
Hiện nay, các số liệu về thủy lợi cho thấy, lượng nước trên các hồ tiếp tục xuống thấp. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa nhưng lượng mưa không đáng kể, mưa ít xuất hiện tại các khu vực sinh thủy của các hồ chứa nước thủy lợi nên lượng nước đổ về hồ không nhiều. Hiện 19 hồ chứa nước lớn trên địa bàn chỉ còn 70 triệu m3 nước, chiếm 28% so với khả năng các hồ này có thể chứa. Trong đó, hầu hết các hồ chứa lớn, phục vụ nhiều công năng, bao gồm sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp và tưới nông nghiệp như: Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) hiện chỉ còn 19% lượng nước, hồ Suối Dầu (huyện Cam Lâm) 22%, hồ Cam Ranh (Cam Lâm) 9%...
Dự báo của cơ quan chuyên môn, từ tháng 5 đến tháng 11-2020, nắng nóng có thể xuất hiện cục bộ ở các địa phương: Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Cam Ranh với mức nhiệt có thể đạt 36 - 38oC. Trong đó, đỉnh điểm đợt nắng nóng sẽ nằm trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ cao nhất trong đợt này có thể đạt từ 37 - 39oC. Nền nhiệt trung bình toàn tỉnh sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 đến 1oC. Hiện các giải pháp cấp bách chống hạn đã được tỉnh triển khai, trong đó cùng với việc khoanh vùng sản xuất lúa hè thu, nhiều giải pháp nhằm sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm nước cũng đã được áp dụng.
4 giải pháp được khuyến cáo
Qua kiểm tra thực tế ở khu vực sản xuất lúa huyện Diên Khánh, đoàn công tác gồm lãnh đạo các đơn vị: Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thảo luận về các giải pháp ứng phó với tình hình khô hạn hiện nay. Theo đó, đối với vùng chủ động nguồn nước, các biện pháp thâm canh cao được áp dụng. Vùng có nguy cơ thiếu nước, tăng cường sử dụng giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày, sử dụng giống xác nhận trở lên, chịu hạn, kháng sâu bệnh... Ở vùng không có khả năng tưới tiêu, chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại. Riêng đối với vùng có thể chuyển đổi, tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi trên vùng đất lúa khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày, chủ yếu các giống bắp, đậu xanh, đậu phộng, rau màu các loại, cỏ,...
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Trưởng đoàn công tác, qua trao đổi với các địa phương ở miền Trung nói chung, bên cạnh giải pháp công trình, có 4 giải pháp phi công trình được khuyến cáo nhằm hạn chế diện tích phải bỏ vụ lúa trong điều kiện nắng hạn. Một là việc bố trí thời vụ phải tập trung, đồng bộ và rút ngắn thời gian. Ví dụ, trước đây thời gian gieo sạ là 2 tháng ở 1 khu vực đồng ruộng 1.000ha, hiện nay cần giảm xuống còn khoảng 15 ngày. Thời gian bố trí nước cũng chỉ trong 15 ngày đó nhằm hạn chế thất thoát nước, tránh được việc 1 khu vực ruộng gieo sạ quá nhiều đợt, đồng nghĩa với việc phải bố trí nước nhiều đợt. Thứ 2, triệt để áp dụng giống lúa ngắn ngày. Ví dụ, giống lúa 90 ngày sẽ giảm được 1 đợt tưới nước so với giống lúa 110 ngày. Thứ 3, khuyến cáo nông dân đẩy mạnh việc bón phân hữu cơ, tối thiểu chiếm 10 - 12% so với toàn bộ lượng phân bón. Phân hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, mà còn có tác dụng giữ nước, giữ ẩm cho đất tốt hơn, giúp cho cây lúa vượt qua các thời kỳ thiếu nước cục bộ. Thứ 4, áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, giúp cho rễ lúa ăn sâu xuống đất. Khi tình hình khô hạn diễn ra, rễ lúa vẫn nằm dưới tầng còn nước.
Hồng Đăng