Trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1: Nơi bài bản, chỗ sơ sài

Thứ sáu - 07/02/2020 12:40
3 trạm dừng nghỉ trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch từ năm 2013. Đến nay, có trạm xây dựng, hoạt động bài bản, nơi làm sơ sài, không đủ chuẩn.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1: Nơi bài bản, chỗ sơ sài

3 trạm dừng nghỉ trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy hoạch từ năm 2013. Đến nay, có trạm xây dựng, hoạt động bài bản, nơi làm sơ sài, không đủ chuẩn.


Quy hoạch 3 trạm dừng nghỉ


Năm 2013, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó Khánh Hòa có 3 trạm dừng nghỉ đặt tại huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và TP. Cam Ranh.

 

Sau khi có quy hoạch, 2 trạm dừng nghỉ tại huyện Diên Khánh (Trạm dừng nghỉ Vỹ Lâm) và TP. Cam Ranh (Trạm dừng nghỉ thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa) được triển khai và hoạt động hiệu quả. Riêng trạm dừng nghỉ trên địa bàn huyện Vạn Ninh do nhà đầu tư khó khăn về nguồn lực nên việc xây dựng các hạng mục công trình không đủ chuẩn, dẫn đến cơ quan chức năng không công nhận là trạm dừng nghỉ. Theo quan sát của phóng viên, khu vực quy hoạch trạm dừng nghỉ tại Vạn Ninh nằm ở địa bàn xã Vạn Hưng. Nơi đây hiện chỉ có một trạm xăng dầu, khu vực dành cho khách được làm hết sức sơ sài và đã bị xuống cấp, gần như bị bỏ hoang nhiều năm nay.


Lãnh đạo Công ty TNHH Vỹ Lâm cho biết, cuối tháng 12-2016, trạm bắt đầu đi vào hoạt động sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép. Doanh nghiệp đã tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng các điều kiện kinh doanh: xây dựng nhà hàng có sức chứa hơn 1.250 khách/lượt; bếp ăn được trang bị hiện đại, khép kín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đầu tư khu vực điều hành giao thông, phòng cung cấp thông tin, phòng chăm sóc y tế, nơi nghỉ ngơi cho lái xe và khu vực đậu xe, bảo dưỡng xe theo đúng quy định của Bộ GTVT. Để bảo đảm an toàn giao thông, trạm được phép đấu nối vào Quốc lộ 1, với đường dẫn dài hơn 40m, rộng 28m, có lối ra vào riêng. Theo thống kê, từ năm 2017 đến cuối năm 2019, trạm đã đón hơn 107.650 lượt phương tiện với gần 1,7 triệu khách, bình quân mỗi ngày có gần 110 lượt xe và hơn 1.600 lượt khách vào trạm. Đến nay, trạm dừng nghỉ này đã hết thời hạn, hiện đang phối hợp với Sở GTVT làm các thủ tục đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép lại.


Theo đánh giá của Sở GTVT, trong 3 trạm, trạm dừng nghỉ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa là xây dựng bài bản, hoạt động hiệu quả nhất.

 

Trạm dừng nghỉ Vỹ Lâm đang làm các thủ tục xin cấp phép lại.

Trạm dừng nghỉ Vỹ Lâm đang làm các thủ tục xin cấp phép lại.

 

Cần có cơ chế hỗ trợ


Theo Sở GTVT, thời gian qua, việc phát triển trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 còn gặp khó khăn do chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư. Chính điều này đã dẫn đến nhà đầu tư có tiềm lực thì làm bài bản, còn nhà đầu tư thiếu vốn sẽ không thể triển khai theo quy định hoặc làm rất sơ sài. 3 trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh đã chứng minh điều này.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn là nhiều phương tiện có thói quen dừng, đỗ dọc đường không đúng nơi quy định nên đã hạn chế khách vào trạm dừng nghỉ. “Để hoạt động của trạm dừng nghỉ đạt hiệu quả, thiết nghĩ Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên hỗ trợ bằng cách có cơ chế pháp lý, chính sách cho các chủ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ như: miễn thuế đất với những diện tích dành cho dịch vụ công cộng, không thu phí bãi đỗ xe... đồng thời, có quy hoạch khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ; đưa ra các chế tài cụ thể giữa hoạt động vận tải và trạm dừng nghỉ như thời gian tham gia hoạt động của lái xe bắt buộc vào trạm dừng nghỉ; thanh kiểm tra đột xuất, xử lý công khai, dừng hoạt động đối với các trạm dừng nghỉ không đảm bảo các tiêu chí”, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT đề xuất.


Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên có quy định cụ thể về quy chuẩn các trạm dừng chân, trạm dừng nghỉ. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác, bởi trạm dừng nghỉ có quy định nhưng trạm dừng chân thực chất là một quán ăn có bãi đậu xe ô tô. Khi đã phân biệt được loại hình rồi thì sẽ dễ dàng trong quản lý, xử phạt nếu vi phạm, từ đó tạo động lực, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình.


THÀNH NAM

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp