Thời gian qua, chương trình vay vốn dành cho phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều trường hợp làm ăn thất bại, khiến nợ xấu tăng cao. Tổ chức hội phụ nữ đang tìm giải pháp để tháo gỡ.
Nợ xấu chạm ngưỡng 0,33%
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, hiện nay, các cấp hội trong tỉnh ủy thác và quản lý gần 1.500 tỷ đồng cho 70.154 lượt hội viên (HV), phụ nữ vay từ các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vốn quay vòng giảm nghèo, Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Đông Á. Ngoài ra, hoạt động vận động phụ nữ tiết kiệm đến nay đã tích lũy được gần 13 tỷ đồng, giúp cho 21.000 lượt HV vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để bổ sung vốn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh buôn bán nhỏ, tháo gỡ các khó khăn về vốn vay, trả nợ vay kịp thời.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ đã thoát nghèo, nhưng nhu cầu được tiếp tục vay vốn để đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, họ lại khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại do chưa đáp ứng đủ điều kiện. Nhận thấy điều ấy, hội đã phối hợp với Quỹ tín dụng nhân dân, các ngân hàng thương mại để bảo lãnh cho HV vay tín chấp tối đa 20 triệu đồng, qua đó đã giải quyết phần nào nhu cầu “khát” vốn của HV.
Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và sử dụng có hiệu quả, tránh rủi ro cho HV phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội đã cùng chính quyền cơ sở bình xét đối tượng vay, quản lý chặt nguồn vốn trong quá trình sử dụng. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý nguồn vốn vay cũng được thực hiện đúng theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn thời gian gần đây đã xảy ra nhiều rủi ro, phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu và lãi tồn. Hiện nay, tổng nợ xấu, nợ quá hạn của các cấp hội hơn 4,9 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,33%. Theo bà Lê Thị Mai Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nguyên nhân tình trạng trên là HV vay vốn bị bệnh tật, đầu tư không hiệu quả, công việc làm ăn bị gián đoạn, mất việc làm… Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì còn quá trông chờ vào chính sách của Nhà nước, chưa tích cực làm ăn để trả nợ…
Siết chặt quản lý
Bà Lê Thị Mai Liên cho biết, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã liên tục chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn, hạn chế nợ quá hạn mới bằng các giải pháp như: xây dựng kế hoạch thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn theo phân kỳ; rà soát lại hộ vay có nợ quá hạn, phân loại hộ vay để có phương án thu hồi phù hợp; đối với hộ đã rời khỏi nơi cư trú, hội phụ nữ cơ sở chủ động, tích cực vận động gia đình, người thân hợp tác cung cấp địa chỉ mới của hộ vay, tìm đến nơi ở để vận động, thu hồi nợ hiệu quả; rà soát kỹ hồ sơ vay mới. Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng đưa ra giải pháp vận động HV phụ nữ tích cực tiết kiệm như: nuôi heo đất, tiết kiệm xoay vòng vốn, tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, tiết kiệm mua tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ gặp khó khăn, nhằm nâng cao ý thức tích lũy trong HV, qua đó giúp hội có nguồn vốn chủ động để hỗ trợ cho chị em vay vốn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, có cơ hội trả nợ.
Thời gian tới, ngoài các giải pháp siết chặt quản lý vốn vay cũ và mới, hội sẽ tích cực huy động nguồn vốn tiết kiệm trong HV, phụ nữ từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn đột xuất về vốn, phương tiện sinh kế làm ăn nhằm trả nợ vay tốt hơn, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Lưu khánh