Giáo dục Tiểu học cả nước đạt những thành công đáng ghi nhận
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu : “Trong năm học vừa qua, các địa phương đã chỉ đạo thực hiện chương trình kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, từng bước nâng cao và củng cố vững chắc chất lượng, hiệu quả giáo dục. Giáo dục tiểu học đã bước đầu đạt được những thành quả khi thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học.”
Các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển được mạng lưới trường, lớp học đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được quan tâm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vận dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kĩ năng sống…
Các cấp, ban, ngành đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên giảng dạy. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng tiếp tục được nâng cấp, xây dựng thêm trường lớp, sân chơi, cây xanh, thảm cỏ ngày càng khang trang, sạch đẹp…
Hiện nay, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 74,8%. Phong trào xây dựng trường tiểu học đạt Chuẩn Quốc gia cũng đạt một số kết quả đáng khích lệ với tỉ lệ trường tiểu học đạt Chuẩn Quốc gia của cả nước là 60,6%.Tỉ lệ phòng học/lớp là 0,94%.
Các chỉ đạo đổi mới về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã dần đi vào thực tiễn. Phần lớn các cơ sở giáo dục tiểu học đều thực hiện tốt và đúng các quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Giáo dục tiểu học còn gặp nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tích nhìn thấy được thì vẫn còn những hạn chế, bất cập cần nhanh chóng tháo gỡ. Tại một số địa phương, việc phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo; cán bộ quản lý chưa cập nhật, bắt nhịp được với đổi mới giáo dục của cấp học.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý. Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn yếu, tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế.
Tình trạng học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp vẫn diễn ra rải rác ở một vài địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ.
Được quan tâm nhất tại Hội nghị lần này là vấn đề đáp ứng cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và đội ngũ giảng dạy để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 1 năm học 2019 - 20120. Đa số đại biểu băn khoăn về việc còn nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất… cho chương trình giáo dục mới.
Đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục: đổi mới đánh giá học sinh tiểu học; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới công tác quản lý; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp đảm bảo thuận lợi cho học sinh tới trường. Duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xây dựng trường tiểu học đạt Chuẩn Quốc gia.
Tại hội nghị, các đại biểu tích cực thảo luận về phương hướng và giải pháp để giải quyết những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác giáo dục ở bậc tiểu học. Đặc biệt, nhấn mạnh công tác chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ GD&ĐT bậc Tiểu học cho biết: “Để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các Sở ban ngành GDĐT cần tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học; triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy các khối lớp và ưu tiên cho khối lớp 1 vì đây là khối lớp đầu tiên trong cấp học phổ thông thực hiện chương trình Sách giáo khoa mới. Đẩy mạnh việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tránh những bất cập khi thực hiện Chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học”.