Triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có áp dụng các chính sách theo Nghị quyết (NQ) 42 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngành Ngân hàng đã xử lý được đáng kể số nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.
Thực hiện nhiều giải pháp
Triển khai NQ 42, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ tốt nhất cho TCTD thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương; thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại NQ 42, đặc biệt trong trường hợp khách hàng chây ì hoặc có thái độ không hợp tác; xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và xử lý nợ xấu các TCTD trên địa bàn tỉnh; phê duyệt phương án cơ cấu lại QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 của 4 QTDND trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát và kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự; triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, kiềm chế nợ xấu gia tăng, đảm bảo nợ xấu ở dưới mức 3%; kiểm soát chặt chẽ quá trình kiểm soát cho vay…
Đến ngày 30-9, các TCTD trên địa bàn đã xử lý được gần 2.593 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi được chủ yếu do khách hàng trả nợ. Ngoài ra, một phần do bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và hình thức khác. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh chiếm 0,69% tổng dư nợ.
Một số khó khăn
Theo thông tin từ NHNN Việt Nam, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 8-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo NQ 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Kết quả đó cho thấy, ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng; là dấu hiệu tích cực cho thấy NQ 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. |
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo NQ 42, các TCTD gặp một số khó khăn như: Một số khoản vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm nên khó xử lý nợ; một số khoản vay đã xử lý hết tài sản bảo đảm nhưng vẫn còn dư nợ; tài sản thế chấp có tranh chấp pháp lý, giảm giá trị, khấu hao, nằm ở vùng nông thôn hẻo lánh nên khó phát mại trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, một số khách hàng chống đối, không hợp tác với NH trong việc tự nguyện bàn giao tài sản để sớm giải quyết nợ; một số khoản vay kéo dài thời gian thu hồi nợ do tòa án, cơ quan thi hành án giải quyết chậm tiến độ; nhiều khoản vay không đáp ứng được tiêu chuẩn mua bán nợ cho Công ty TNHH Một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Ngoài ra, các khoản vay tồn đọng từ năm 1999 đến 2014 trên hợp đồng thế chấp tài sản chưa có điều khoản về việc NH được quyền thu giữ tài sản để xử lý thu hồi nợ. Đối với những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp từ lâu có sự sai lệch giữa diện tích đất thực tế của tài sản thế chấp so với diện tích trên giấy chứng nhận, gây khó khăn về thời gian, chi phí cho việc xử lý tài sản.
Từ thực tế đó, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện NQ 42; đồng thời, xem xét hỗ trợ tạo điều kiện để các TCTD thuận lợi hơn trong xử lý thu hồi nợ: Đối với các khoản nợ xấu xử lý qua khởi kiện, tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm. Đối với các khoản nợ xấu đã chuyển cơ quan thi hành án, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi nợ cho NH. Đối với các khoản nợ xấu áp dụng quyền thu giữ tài sản theo NQ 42, các cơ quan hỗ trợ như chính quyền địa phương, công an… cần có cơ chế phối hợp với NH để thực hiện việc thu giữ tài sản.
Ông Nguyễn Hoài Chiểu cho biết, trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo, giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện NQ 42; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục nâng cao chất lượng cấp tín dụng, chất lượng cán bộ tín dụng, đặc biệt trong việc thẩm định, phân tích dự án, đánh giá rủi ro…; phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý tài sản bảo đảm…
NAM DU