Kết quả giám sát việc lấy ý kiến nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì cho thấy, vẫn còn một số dự án không tổ chức lấy ý kiến nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Giá đền bù quá chênh lệch
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát các dự án trên địa bàn phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, bà Trương Thị Thúy - tổ dân phố (TDP) 2 phường Vĩnh Nguyên cho biết, hiện tại, khu vực TDP 2 đang triển khai dự án Nút giao thông N8 (đoạn chợ Hoàng Diệu) nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là do giá Nhà nước đền bù chênh lệch quá lớn so với giá thị trường nên người dân không giao đất. Hiện nay, tại khu vực đường Hoàng Diệu, giá đất thị trường trên 200 triệu đồng/m2 nhưng giá đền bù của Nhà nước chỉ 19,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, người dân lại phải trả tiền lô đất tái định cư được cấp nên tiền đền bù còn lại không đủ xây nhà, ổn định cuộc sống.
Bà Võ Thị Lệ Chua - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, ở địa phương, khi có chủ trương thực hiện dự án phường đều tổ chức lấy ý kiến người dân nằm trong vùng dự án; đồng thời, tổ chức cho các nhà đầu tư tiếp cận giải thích cho dân hiểu. Dự án nào chủ đầu tư có thiện chí, đền bù thỏa đáng thì việc triển khai thuận lợi. Cụ thể, những dự án tại các đảo do Công ty Cổ phần Vinpearl Nha Trang thực hiện được người dân rất ủng hộ. Bởi ngoài việc đền bù theo giá thỏa thuận, công ty còn hỗ trợ người dân mua đất tái định cư. Riêng các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo, công ty còn hỗ trợ thêm kinh phí nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân khi về nơi ở mới ổn định, tốt hơn. Đối với dự án Nút giao thông N8, tuy địa phương đã nhiều lần tổ chức đoàn tới nhà tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng các hộ vẫn không đồng thuận. Vì vậy, địa phương kiến nghị tỉnh, thành phố xem xét, điều chỉnh giá đền bù cho người dân.
Theo báo cáo của UBND phường Phước Long, trên địa bàn phường hiện có 8 dự án cấp tỉnh; trong đó chỉ có dự án Khu Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng trước khi triển khai. Các dự án còn lại, phường tổ chức họp các hộ bị ảnh hưởng công bố, công khai chủ trương của tỉnh, niêm yết các văn bản liên quan đến dự án tại trụ sở UBND phường và các TDP có dự án… Bà Nguyễn Thị Hạnh - TDP 2 Phước Trung, phường Phước Long cho biết, tại khu vực TDP 2 hiện quy hoạch một số dự án nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai; thậm chí, có dự án quy hoạch treo cả chục năm nay. Trong khi đó, do nằm trong vùng quy hoạch dự án nên người dân không được sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà cửa, nhiều hộ nhà đã xuống cấp, cuộc sống rất tạm bợ. Khi triển khai quy hoạch dự án, chính quyền địa phương chỉ công bố chủ trương của tỉnh tại cuộc họp về việc thực hiện dự án, chứ không lấy ý kiến người dân.
Quan tâm lấy ý kiến nhân dân
Từ năm 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 108 dự án, công trình được triển khai thực hiện. Trong đó, có 4 dự án cấp Trung ương, 45 dự án cấp tỉnh, 3 dự án cấp huyện, thị xã, thành phố và 56 công trình, dự án cấp xã. Hiện nay, đã có 69 dự án triển khai xong, 33 dự án đang triển khai và 6 dự án chậm triển khai và quá thời gian quy định. Vừa qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát việc lấy ý kiến nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án tại 6 xã, phường gồm: Vĩnh Nguyên, Phước Long, Vĩnh Thái (Nha Trang), Ninh An (Ninh Hòa), Cam Hải Đông (Cam Lâm), Đại Lãnh (Vạn Ninh).
Giám sát của các địa phương cho thấy, có 14 dự án tại xã Ninh An và phường Phước Long không lấy ý kiến nhân dân; trong đó có 9 dự án cấp huyện, tỉnh gồm: Bãi rác Hòn Rọ; Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; Khu đô thị mới Phước Long (2008); An Bình Tân (2004); Lê Hồng Phong I (2008); Hoàng Long (2008); VCN Phước Long 1 (2015); VCN Phước Long 2 (2015); Khu dân cư Phước Long - Vĩnh Trường (2016). Các dự án chỉ thực hiện việc công bố, công khai các quyết định của UBND tỉnh, thông báo thu hồi đất của UBND thành phố khi đã được phê duyệt, không được chỉ đạo việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng trước khi thực hiện dự án.
Qua làm việc với các xã, phường cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án được lãnh đạo các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện đúng quy định, công khai, dân chủ và được sự đồng thuận rất cao của nhân dân nên quá trình triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương trong quá trình triển khai chưa chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân, hoặc lấy ý kiến người dân không đầy đủ. Từ đó, khiến một số người dân phản ứng, thậm chí có dự án đã đưa vào hoạt động nhưng người dân vẫn yêu cầu di dời đi nơi khác, hoặc tạm dừng hoạt động, vì cho rằng dự án đó ảnh hưởng đến môi trường.
Đoàn giám sát kiến nghị tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thu hồi các dự án quá chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh giá đền bù khi thực hiện dự án phù hợp với giá thị trường; đồng thời tùy theo từng dự án đề nghị cần có chế độ, chính sách riêng nhằm đảm bảo cho người dân có nơi ở mới hội đủ các điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn. UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời cung cấp thông tin cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp về triển khai thực hiện dự án ngay từ khi có chủ trương; phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất… UBND các xã, phường cần phối hợp với chủ đầu tư dự án cung cấp các hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan công khai với người dân trước khi thực hiện dự án để người dân biết. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp giải quyết và theo dõi đơn thư của người dân về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cho đến kết luận cuối cùng, đến khi người dân được trả lời đầy đủ theo quy định của pháp luật.
KHÁNH HÀ