UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), hướng tới cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đánh giá bằng TFP
Bà Trần Nguyễn Tường Vi - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang, Khu Công nghiệp Diên Phú (huyện Diên Khánh) cho rằng, ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn khi muốn nâng cao năng suất lao động. Đó là hoạt động lao động cơ khí thường không ổn định, khó tuyển dụng do là ngành làm việc cực nhọc mà lương không cao. Bên cạnh đó, ngành cơ khí đòi hỏi tay nghề thuần thục, nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nên đơn vị phải đào tạo lại mất thời gian và chi phí. Vì vậy, để nâng cao năng suất, lấp khoảng trống lao động, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là giải pháp công nghệ. Gần đây, công ty đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như Plasma, laser vào lĩnh vực này. Với những khâu nguy hiểm, khó như hàn, công ty sử dụng robot. Đơn vị còn lắp đặt các máy móc hiện đại để thay thế cho sức người. Nhờ vậy, hiện nay, công ty có 240 công nhân vẫn đảm đương công việc của 350 người như trước kia, bảo đảm các đơn hàng, doanh thu không giảm.
Ông Phạm Huy Trường - Phó Chủ tịch Công đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năng suất lao động của ngành Nông nghiệp gần đây có nhiều chuyển biến; nông, ngư dân đã biết đầu tư máy móc thiết bị nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Về nông nghiệp, các khâu cày bừa, thu hoạch đã có máy móc thay thế như: Máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm… góp phần nâng cao năng suất lúa lên 60 - 65 tạ/ha/vụ. Về đánh bắt thủy sản, ngư dân trang bị nhiều loại máy móc, thiết bị cơ giới hiện đại như: Máy thu lưới vây, máy thu - thả câu cá ngừ đại dương, máy dò cá, đèn led, tủ bảo quản lạnh…
Trong báo cáo trình UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ xác định yếu tố năng suất lao động không thể đánh giá hết hiệu quả của nền kinh tế mà phải sử dụng yếu tố TFP (tổng hợp từ nhiều yếu tố như: Vốn, lao động, công nghệ, quản lý…) mới có cái nhìn tổng thể. Kết quả đề tài “Chỉ tiêu năng suất giai đoạn 2010 - 2015, các giải pháp nâng cao chỉ tiêu năng suất đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 tỉnh Khánh Hòa” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện năm 2019 đã xác định năng suất lao động trung bình của tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đạt 67,4 triệu đồng, tăng bình quân 6,9%/năm; tốc độ tăng trung bình TFP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 1,09%, giai đoạn 2016 - 2018 đạt 2,76%. Mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 là 17,2%, giai đoạn 2016 - 2018 là 36,25%. Đây là cơ sở khoa học đã được áp dụng để xây dựng báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và định hướng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Mục tiêu của Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021 - 2025: Đào tạo 10 - 15 lượt chuyên gia về năng suất chất lượng; tăng năng suất lao động 7%/năm; TFP đóng góp tăng trưởng kinh tế 40% vào năm 2025; tối thiểu có 50 doanh nghiệp được hỗ trợ năng suất chất lượng; hỗ trợ 5 - 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ… |
Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Đó là, xây dựng cơ chế, chính sách (các chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài sản trí tuệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, quản lý nâng cao năng suất lao động, năng suất xanh…); thông tin, tuyên truyền về nâng cao năng suất chất lượng (tổ chức hội nghị, hội thảo, phổ biến thông tin về tiêu chí, tiêu chuẩn; triển khai Hiệp định TBT về hàng rào kỹ thuật trong thương mại…); đào tạo, tập huấn về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; tăng cường tư vấn, đào tạo, hỗ trợ về nâng cao năng suất chất lượng.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ lựa chọn 3 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, có khả năng hấp thụ công nghệ mới, bảo đảm trình độ khoa học công nghệ để xây dựng 3 mô hình điểm về nâng cao năng suất chất lượng; triển khai dự án đầu tư tăng cường năng lực của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; xây dựng dự án đầu tư tăng cường năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng 1 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, 1 vườn ươm khởi nghiệp đảm bảo nâng cao năng suất chất lượng trên nền tảng đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đủ tầm tiếp nhận các dự án về năng suất chất lượng của Trung ương và Tổ chức Năng suất châu Á (APO)…
V.L