Với việc mạnh dạn tiên phong chuyển đổi từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hẹ, gia đình ông Lê Đức Trí (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thu được hiệu quả cao từ cây trồng mới. Loại cây trồng này đang phát huy hiệu quả kinh tế tại xã Ninh Đông.
Trăn trở cây trồng
Nhiều năm trước, gia đình ông Trí chỉ quanh quẩn với hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn trong số ấy là đất trồng lúa, một ít trồng hoa màu. Với diện tích hạn hẹp, cây lúa không phải là cứu cánh cho bài toán thu nhập nên gia đình ông Trí cũng như nhiều hộ nông dân nơi đây chỉ đủ sống qua ngày.
Trước thực tế đó, ông Trí đã không ngừng học hỏi khắp nơi về những loại cây trồng, vật nuôi có thể cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương. Ông Trí cho biết: “Mỗi lần Hội Nông dân xã, thậm chí xã khác, huyện khác tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, tôi đều tham gia với mong muốn có thể trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để thay đổi cây trồng trên diện tích đất hạn hẹp của mình. Đó có thể là kỹ thuật sản xuất chăn nuôi heo, gà; trồng rau an toàn, VietGAP; trồng bưởi da xanh…”.
Năm 2015 và 2016, tình hình thời tiết khô hạn gây hậu quả nặng nề cho cây lúa cũng như nhiều loại cây trồng khác trên toàn tỉnh nói chung và Ninh Hòa nói riêng, nhu cầu về chuyển đổi cây trồng càng thêm thôi thúc ông Trí. Cùng với kiến thức học được, năm 2017, ông Trí quyết định trồng vào vườn tạp của mình hàng chục gốc bưởi da xanh. Còn trên diện tích đất trồng cây hàng năm, ông gieo 4.000m2 rau màu. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Ninh Đông, gia đình ông đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hẹ trên đất 1 vụ lúa. Ban đầu diện tích nhỏ, sau đó nâng dần lên và cuối cùng là toàn bộ 7.000m2 đất trồng lúa 1 vụ được chuyển hết sang trồng hẹ.
Theo tính toán của ông Trí, cây hẹ cho thu hoạch đều đặn mỗi tháng 1 lần. Nếu trừ đi thời gian cho đất nghỉ ngơi, 1 năm làm được khoảng 10 vụ hẹ. Với 1.000m2 trồng hẹ, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về 6 triệu đồng/vụ, gấp 10 lần so với trồng lúa. Với diện tích sản xuất lúa, trồng hẹ và chăn nuôi bò sinh sản, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Trí sau khi trừ chi phí còn khoảng 480 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động ở địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm
Điều đáng quý là khi gia đình thu được hiệu quả cao từ cây trồng mới, ông Trí đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nông dân khác có nhu cầu; vận động các hộ trong thôn cùng chuyển đổi, mở rộng diện tích sản xuất. Đến năm 2018, diện tích hẹ tại thôn Phước Thuận đã nâng lên tới 5ha. Đây cũng là lúc 34 hộ trồng hẹ nơi đây cùng nhau thành lập Tổ hợp tác sản xuất hẹ thôn Phước Thuận. Ông Lê Đức Trí được các thành viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hợp tác. Lúc này, Hội Nông dân xã Ninh Đông cũng tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hẹ; Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân 300 triệu đồng cho 10 hộ vay để chuyển đổi trồng hẹ.
Giờ đây, với những bước đi vững chắc, Tổ hợp tác trồng hẹ thôn Phước Thuận đã có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa 1 vụ như trước. Ông Lê Đức Trí cho rằng, mạnh dạn cải tạo vườn tạp, cải tạo đất trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả cao hơn là hướng đi thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập. Để được như vậy, bản thân ông luôn học hỏi, tích cực tham gia các lớp phổ biến kiến thức về cây trồng, vật nuôi do các cấp hội mở, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng bón phân vi sinh, hữu cơ cho đất và cây trồng để phát triển bền vững.
Nhiều năm liền, ông Lê Đức Trí đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ông còn là điển hình tiên tiến được UBND thị xã Ninh Hòa tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua yêu nước 5 năm (2016 - 2020).
Hồng Đăng