Thời gian qua, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp đã khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhân lực chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị thiếu hụt nghiêm trọng, bởi người mới không tuyển được, còn người có kinh nghiệm thì nghỉ việc.
Thiếu hụt nhân lực
Thời gian gần đây, lâm phận của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa luôn trong tình trạng báo động do nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất. Để hạ nhiệt các điểm nóng, tăng cường bảo vệ rừng, công ty đã lập 17 chốt bảo vệ đặt ngay trong rừng, ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra tình trạng xâm hại rừng. Tuy nhiên, hiện nay, công ty thiếu hụt lớn nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách. Ông Nguyễn Văn Hào - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của công ty cần khoảng 70 người, nhưng hiện nay, công ty chỉ có 33 người. Công ty đã tìm mọi cách để tăng thêm nhân sự nhưng cũng chỉ hợp đồng thêm được 24 người. Tuy nhiên, số lao động này không ổn định. Chỉ tính riêng việc bố trí nhân lực cho 17 chốt bảo vệ rừng, mỗi chốt phải tối thiểu 4 người để có thể chia ca tuần tra thì huy động toàn bộ nhân lực hiện có vẫn không đủ. Ngay cả lực lượng kỹ thuật của công ty cũng được huy động để hỗ trợ các chốt nhưng vẫn thiếu”.
Tương tự, nhân lực chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Lâm phận của đơn vị có diện tích hơn 30.212ha, trải rộng trên 3 địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm và Khánh Sơn. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 21 người, thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhất là trong cao điểm mùa khô từ tháng 2 đến tháng 7, đơn vị đã hợp đồng thêm 15 người. Mặt khác, trình độ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không đồng đều, một số chưa được đào tạo về nghiệp vụ bảo vệ rừng. Lực lượng đã mỏng lại dàn trải trên nhiều công việc, vừa tập trung bảo vệ rừng phòng hộ được giao, vừa phải căng mình phòng, chống cháy rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp, bảo vệ hiện trường các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phá hoại rừng thông, xử lý các vụ việc vi phạm đã được phát hiện…
Ngoài việc không tuyển thêm được lao động mới, nhân lực chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị đã mỏng lại càng thiếu hụt hơn khi nhiều người nghỉ việc. Đơn cử như tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, chỉ trong 2 tháng gần đây đã có 6 người xin nghỉ việc. Nguyên nhân là do áp lực công việc bảo vệ rừng hiện nay rất lớn khi tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp đang diễn biến rất phức tạp ở các địa phương trong tỉnh, trong khi điều kiện làm việc, ăn ở của nhân viên bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp, trung bình chỉ 4,5- 5 triệu đồng/người/tháng…
Cần tăng cường phối hợp các lực lượng
Từ thực trạng nêu trên, để quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã tổ chức, sắp xếp lại lực lượng cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng trạm, tổ bảo vệ rừng. Cụ thể như tại Khánh Sơn, khi tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá hoại rừng thông rộ lên, đơn vị đã bổ sung ngay 4 biên chế chuyên trách bảo vệ rừng đã trúng tuyển đến Khánh Sơn công tác; ưu tiên hợp đồng thêm lao động thời vụ để hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Khánh Sơn. Một giải pháp hiệu quả được các đơn vị chú trọng là phối hợp với những lực lượng chức năng khác như: Kiểm lâm, UBND cấp xã, các chủ rừng giáp ranh… để cùng bảo vệ rừng.
Nhằm tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực, các đơn vị chủ rừng kiến nghị cấp trên sửa đổi quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Bởi hiện nay, mức lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với lực lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm mở thêm các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, việc thu hút lao động vào lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất khó khăn. Nhiều đơn vị chủ rừng nhà nước trong tỉnh đang thiếu hụt nhân lực khiến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Trong điều kiện hiện nay, các đơn vị chủ rừng cần tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở, sự hỗ trợ của lực lượng công an chính quy cấp xã để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng khác theo quy chế phối hợp đã được ký kết. Các đơn vị cũng cần hợp đồng thêm lao động thời vụ để hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ tốt cho đơn vị chủ rừng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đối với việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm sẽ tổ chức lớp theo nhu cầu của các đơn vị.
HẢI LĂNG