Tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thứ ba - 19/10/2021 12:46
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh thời gian qua, các biện pháp trọng tâm để kiểm soát tốt dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế các tháng cuối năm nay.     Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh thời gian qua, các biện pháp trọng tâm để kiểm soát tốt dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế các tháng cuối năm nay.  


Địa phương nào cũng gặp khó


Theo báo cáo của UBND tỉnh, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 6 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH. Tại các địa phương, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Ông Võ Nam Thắng - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh nói: “Kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác tại huyện Diên Khánh qua dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài; có biện pháp hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi ở những vùng có lợi thế”.

 

Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang do Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh  làm chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: V.Kỳ

Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang do Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh làm chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: V.Kỳ


Trong khi đó, ông Tống Trân - Bí thư Thị ủy Ninh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch, người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập dẫn đến tình trạng người dân phải “vay nóng” để trang trải cuộc sống. Điều này còn làm gia tăng các loại tội phạm nhất là trộm cắp, cướp giật. Muốn giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh cần đề ra các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.


Một số ý kiến đề nghị UBND chỉ đạo chủ đầu tư các dự án phải cam kết thực hiện đúng tiến độ, nếu bị chậm chủ đầu tư phải xác định cụ thể vướng mắc ở khâu nào để đề xuất UBND tỉnh giải quyết; các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh...


Các đại biểu cho rằng việc triển khai các chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 68 của Chính phủ vẫn còn chậm; việc hỗ trợ cho các đối tượng cần công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ; UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho các đối tượng bị mất việc làm, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: người nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển; người làm muối...


Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xác định trong 3 tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh sẽ tập trung giữ vững thành quả phòng, chống dịch, từng bước phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2021, vấn đề trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh; kích cầu nội địa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong ngân sách và ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội...


3 tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch, tỉnh sẽ xem xét cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay ưu đãi; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế. Tỉnh sẽ đánh giá thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian qua; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ mới phù hợp tình hình thực tiễn về phòng, chống dịch, các mục tiêu phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khai thác tiềm lực, dư địa để phục hồi các ngành, lĩnh vực chủ yếu để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế; tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy kinh tế số, khơi thông nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

 

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh trong các tháng cuối năm cần tập trung các biện pháp tăng thu, cân đối lại ngân sách nhằm sử dụng ngân sách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh năm 2021; tập trung quản lý đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách...; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...

 

HẢI LĂNG

 

 


 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
 
Cấp bù lãi suất các dự án đầu tư vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển Khánh Hòa
 
 
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Từ năm 2013 đến 2020, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã cho vay, giải ngân cho các dự án 882 tỷ đồng, được ngân sách cấp bù lãi suất 50 dự án, với số tiền gần 48 tỷ đồng, qua đó đã thu hút được tổng nguồn vốn đầu tư 2.306 tỷ đồng vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trong số 50 dự án được cấp bù lãi suất có 18 dự án nước sạch, 6 dự án y tế, 17 dự án điện, 4 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án cảng biển, 1 dự án giáo dục và 1 dự án về môi trường.
 
 
Các dự án được cấp bù lãi suất là những dự án thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua. Mức cấp bù lãi suất là mức cấp theo tỷ lệ % so với lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh được UBND tỉnh quyết định theo từng thời kỳ nhưng không quá 100% lãi suất tối thiểu. Mức vốn vay được cấp bù lãi suất là số tiền chủ đầu tư thực vay theo quy định của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh; thời gian cấp bù lãi suất sẽ thực hiện theo thời gian cho vay của hợp đồng tín dụng giữa chủ đầu tư và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
 
 
B.L (Ghi)
 
 
----------------------------------------
 
 
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
 
Miễn học phí 5 tháng cho học sinh mẫu giáo và phổ thông công lập năm học 2021 - 2022
 
 
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh (HS) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông công lập trong năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
 
Mức thu, đối tượng thu học phí được xác định tại Nghị quyết số 32 năm 2016 của HĐND tỉnh. Cụ thể, mức thu học phí mầm non (mẫu giáo, nhà trẻ) ở thành thị là 140.000 đồng/HS/tháng; ở nông thôn 45.000 đồng/HS/tháng; ở miền núi, các đảo thuộc huyện Trường Sa 30.000 đồng/HS/tháng. Mức thu học phí HS THCS ở thành thị là 60.000 đồng/HS/tháng; ở nông thôn 35.000 đồng/HS/tháng; ở miền núi 25.000 đồng/HS/tháng. Mức thu học phí HS THPT ở thành thị là 70.000 đồng/HS/tháng; ở nông thôn 45.000 đồng/HS/tháng; ở miền núi 30.000 đồng/HS/tháng.
 
 
Chính sách miễn thu học phí lần này quy định miễn thu học phí đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 - 2022; không áp dụng đối với trường hợp đã được miễn học phí theo Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ và Nghị quyết 32 năm 2016 của HĐND tỉnh. HS thuộc đối tượng này sẽ được miễn thu học phí học kỳ I (5 tháng) của năm học 2021 - 2022. Như vậy, sẽ có 146.708 HS mầm non, phổ thông công lập trong toàn tỉnh được hưởng chính sách này với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 37,8 tỷ đồng.
 
 
H.LĂNG (Ghi)
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp