Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa xác định, bên cạnh việc phòng dịch, nhiệm vụ phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Các sở, ban, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể để thực hiện phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Giao nhiệm vụ cụ thể
Trong kế hoạch phục hồi kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải nhận thức đúng tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, phải xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là trọng tâm. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn hiệu quả gắn với xu hướng thay đổi trong dài hạn. Những tháng cuối năm, tập trung cao độ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương các giải pháp của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.
UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành. Trong đó, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là về an sinh xã hội. Cơ quan tài chính nghiên cứu cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay ưu đãi hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19. Cục Thuế tỉnh thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phải phát huy mạnh mẽ khả năng tăng trưởng trong từng lĩnh vực, từng dự án lớn. Đối với sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong nắm thông tin về các khó khăn, vướng mắc của từng nhóm ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Song song đó, ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hiện có, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương như hạ tầng cụm công nghiệp: Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn, KN Vạn Ninh...
Với các ngành dịch vụ, du lịch, tỉnh yêu cầu tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử; tìm kiếm thị trường mới để đảm bảo đầu ra cho sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các vấn đề về thu hút đầu tư FDI, tín dụng ngân hàng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020… cũng cần được đẩy mạnh.
Cơ cấu lại nền kinh tế
Trong phát triển dài hạn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển theo quy định của Chính phủ. Đặc biệt, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; duy trì và phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics.; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, phát triển các ngành, nghề phụ trợ; thu hút đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường kết nối với các tỉnh trong khu vực, liên kết vùng để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Khánh Hòa.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, trong những năm tới xác định phát triển mạnh các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp có lợi thế của tỉnh như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến. Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong có nhiệm vụ triển khai các dự án có tính động lực, sử dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm. Cơ quan chức năng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và tạo nguồn thu mới.
Ngoài ra, UBND tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển trung tâm nghề cá lớn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng cũng được quan tâm hơn. Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại; thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư kết hợp xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước nhằm tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt, trong những năm tới, UBND tỉnh có kế hoạch phát huy thế mạnh của các vùng trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển 3 vùng trọng điểm (vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang, vịnh Cam Ranh) của tỉnh, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước.
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khu vực vịnh Vân Phong được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển khu vực miền Trung và cả tỉnh. Riêng khu vực bắc Vân Phong, thời gian tới, tỉnh tiến hành rà soát quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển (du lịch, cảng biển logistics, thương mại, công nghiệp công nghệ cao...) để phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực. Trong khi đó, TP. Nha Trang sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch; chú trọng đầu tư các trung tâm văn hóa - nghệ thuật đa năng phục vụ nhân dân và du khách. Còn với khu vực vịnh Cam Ranh, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng công nghiệp, dự án điện mặt trời, dự án Trung tâm Nghề cá lớn ở cảng Đá Bạc; sớm hoàn thành đưa vào khai thác các dự án du lịch phía đông và phía tây Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nhằm xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh thành trung tâm kinh tế động lực phía nam của tỉnh.
Đình Lâm