Sáng 24-9, tại Nha Trang, các ông: Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Đại diện lãnh đạo 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước tham dự.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT, những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho tàu cá vào tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai gây ra.
Hiện nay, ngoài các bến cá quy mô nhỏ do UBND cấp huyện quản lý, trên địa bàn tỉnh có 4 cảng cá và 1 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện để phục vụ các tàu khai thác xa bờ. Trong đó, cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) có công suất 25.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 20.000 tấn/năm; cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh) công suất 12.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 15.000 tấn/năm; cảng Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) công suất 8.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 14.000 tấn/năm; cảng Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) công suất 6.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 13.000 tấn/năm. Về khu neo đậu tránh trú bão, tỉnh có Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), theo thiết kế có thể đáp ứng cho 300 tàu vào neo đậu. Ngoài ra, cảng Hòn Rớ có thể tiếp nhận 1.200 tàu cá, cảng Đá Bạc có thể tiếp nhận 1.000 tàu cá của tỉnh và các tỉnh trong khu vực vào tránh trú bão.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư, tổ chức quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, hiện nay, Tổng cục Thủy sản chưa có bất cứ quy chuẩn thống nhất quy định thế nào là cảng cá đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Trong khi đó, các phương tiện khai thác đang phát triển nhanh về quy mô cũng như công suất thì việc quy hoạch, đầu tư cảng cá, khu neo đậu chưa theo kịp thực tế, dẫn đến quá tải. Như Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải công suất neo đậu chỉ có 300 tàu, chưa đúng công suất quy hoạch được duyệt, trong khi nhu cầu tránh trú bão của tàu thuyền lại rất lớn, vượt hơn 100% công suất thiết kế. Ngoài ra, nhiều cảng cá trên địa bàn tỉnh được đầu tư chưa đồng bộ, nhiều hạng mục đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp. Mặt khác, luồng lạch cạn nhưng chưa được đầu tư nạo vét; cầu Bình Tây (phường Ninh Hải) khi xây dựng chưa tính độ cao lưu thông cho tàu thuyền lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đối với tàu thuyền mỗi khi ra vào.
Dành ít nhất 15% nguồn vốn để đầu tư
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Để xây dựng nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của EC, gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh xác định một trong những giải pháp quan trọng là phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão và tổ chức công tác quản lý cảng cá theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh và của khu vực Nam Trung Bộ.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Khánh Hòa là một trong những địa phương có lợi thế để phát triển ngành thủy sản và thực tế ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển của địa phương. Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế; công tác đầu tư cho hạ tầng nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vẫn còn một số hạn chế, chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, bên cạnh việc rà soát lại công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, Khánh Hòa và các địa phương ven biển cần bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định; bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu để tàu thuyền ra vào được an toàn. Các địa phương cần rà soát, bổ sung đầu tư, nâng cấp để các cảng cá đã được xây dựng thỏa mãn các điều kiện về cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản. Trong giai đoạn tới, Bộ NN-PTNT sẽ dành ít nhất 15% nguồn vốn đầu tư để đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá trong cả nước.
Hải Lăng
Để phát triển hạ tầng hậu cần nghề cá, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 dự án xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng nghề cá đã được đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT đề xuất các dự án: Khu neo đậu tránh trú bão sông Tắc kết hợp cảng cá Hòn Rớ; dự án nâng cấp mở rộng cảng Hòn Rớ; dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Khánh Hòa, với các tiểu dự án thành phần: Đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn tỉnh Khánh Hòa, nâng cấp cảng cá Đại Lãnh, nạo vét Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải. Các dự án này được đầu tư sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá hiện đại của tỉnh trong giai đoạn tới.