Tập trung đảm bảo an toàn trên biển

Thứ sáu - 08/11/2019 01:27
Đó là một trong những vấn đề mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 6 vào sáng 8-11, cuộc họp do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tập trung đảm bảo an toàn trên biển

Đó là một trong những vấn đề mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 6 vào sáng 8-11, cuộc họp do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức.

 

Tại cuộc họp, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 6 có hướng di chuyển và cường độ thay đổi liên tục. Hồi 7 giờ ngày 8-11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Dự báo đến 7 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Đến chiều 10-11, bão nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió khi bão đổ bộ cấp 9, giật cấp 11.

 

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 6
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 6

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, đây là cơn bão có cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp. Vì vậy, công tác ứng phó cần liên tục, chủ động. “Điều mà chúng ta đã nắm chắc, đó là cơn bão này có cường độ gió rất mạnh, sóng cao ở biển Đông. Khi vào gần đất liền sẽ ảnh hưởng ít nhất là 7 tỉnh thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Vì vậy, công tác ứng phó hiện nay tập trung quyết liệt trước hết vào khu vực biển” – ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh

 

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trước hết và quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo an toàn trên biển. Trong đó phải đưa cho được các tàu cá ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn nơi tránh trú, neo đậu. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương chủ động cấm biển khi cần thiết. Đồng thời, công tác đảm bảo an toàn cho người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khách du lịch trên biển phải được chú trọng, kiên quyết di dời, cưỡng chế nếu cần thiết. Khi bão tiếp cận và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nguy hiểm về sạt lở, lũ quét phải được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, kiên quyết không để người dân ở lại nơi nguy hiểm.

 

H.Đ

 

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp